Theo Tân Hoa xã hôm 26-7, khoảng 628.600 người ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi bão Gaemi.
Trong số này, 290.000 cư dân đã phải sơ tán để tránh bão. Với tốc độ gió tối đa 118,8 km/giờ tại tâm bão, cơn bão đã đổ bộ vào TP Phủ Điền của tỉnh Phúc Kiến tối 25-7. Gaemi tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/giờ, sau đó yếu dần và vào tỉnh Giang Tây chiều 26-7.
Do ảnh hưởng của cơn bão, từ 6 giờ ngày 24-7 đến 6 giờ ngày 26-7, mưa to đã xảy ra tại hơn 80 thị trấn khắp Phúc Kiến. Có nơi ghi nhận lượng mưa cao nhất là 512,8 mm, theo cơ quan khí tượng địa phương.
Dù đã suy yếu, Gaemi và các dải mây khổng lồ của nó được dự báo tiếp tục gây mưa lớn ở ít nhất 10 tỉnh của Trung Quốc trong những ngày tới, trong đó thủ đô Bắc Kinh cách Phủ Điền tận 2.000 km cũng bị ảnh hưởng.
Nhà chức trách cũng cảnh báo mực nước ở hạ lưu sông Dương Tử cũng như các hồ nước ngọt rộng lớn Bà Dương và Động Đình ở miền Trung Trung Quốc có thể dâng cao, trở lại mức nguy hiểm từng thấy vào đầu tháng 7 sau những trận mưa lớn vào mùa hè, theo Reuters.
Sóng đánh vào bờ biển ở TP Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc khi bão Gaemi đến gần hôm 25-7. Ảnh: REUTERS
Trước đó, tại đảo Đài Loan - Trung Quốc, bão Gaemi đã làm 3 người thiệt mạng và làm 380 người khác bị thương, gây ra lũ lụt và đánh chìm một tàu chở hàng, cũng như khiến hơn nửa triệu hộ gia đình mất điện.
Còn tại Philippines, theo đài CNN, phần lớn thủ đô Manila vẫn ngập trong nước hôm 25-7 do ảnh hưởng của bão này. Mưa lớn liên tục, lũ lụt và lở đất nghiêm trọng do ảnh hưởng bão Gaemi đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hơn 600.000 người phải di dời khắp Philippines.
Gaemi là cơn bão thứ 3 và mạnh nhất đổ bộ vào bờ biển phía Đông Trung Quốc kể từ đầu năm nay. Theo một công trình mới đăng tải hôm 26-7, biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi trong mô hình mưa trên khắp thế giới và điều này cũng có thể làm gia tăng sức mạnh của các cơn bão.
Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Zhang Wenxia từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dẫn đầu đã phân tích dữ liệu khí tượng lịch sử và phát hiện khoảng 75% diện tích đất trên thế giới đã chứng kiến sự gia tăng về biến động lượng mưa hoặc sự thay đổi lớn hơn giữa thời tiết ẩm ướt và khô hạn.
Trên tạp chí khoa học Science, nhóm tác giả cho biết nhiệt độ ấm lên đã tăng cường khả năng giữ độ ẩm của khí quyển, từ đó làm thay đổi mô hình lượng mưa theo hướng thất thường hơn. Đồng thời, biến đổi khí hậu cũng định hình lại hành vi của bão nhiệt đới, khiến chúng ít xuất hiện hơn nhưng mạnh hơn.
Theo Anh Thư/NLĐO
https://nld.com.vn/bien-doi-khi-hau-lam-mua-bao-du-doi-hon-196240726202440822.htm