Nếu không thể kiếm đủ tiền để thuê một HLV giỏi với mức lương cao, nghĩa là VFF không đủ năng lực để điều hành chính đội tuyển mà họ đang quản lý.
Hãy thử hình dung đến trường hợp HLV Park Hang-seo, vì lý do nào đó, không thể tiếp tục tái ký hợp đồng. Khi đó VFF sẽ phải mời một HLV ngoại khác, thậm chí phải có tên tuổi nhất định. Để dẫn dắt một đội bóng nằm ở top 8 Asian Cup, đặt tham vọng dự World Cup trong vòng 3-5 năm nữa, thì chắc chắn HLV đó sẽ đòi hỏi mức lương không thể dưới mức mà HLV Sven-Goran Eriksson từng hưởng ở Philippines gần đây (80.000 USD một tháng) cho chiến dịch AFF Cup 2018. Nói cách khác, VFF phải làm quen với câu chuyện triệu đôla để trả lương cho HLV trưởng.
Trước khi chọn Park Hang-seo, các ứng viên mà VFF từng đàm phán đều đưa ra những con số rất cao, gấp hai lần những gì ông thầy Hàn Quốc đã nhận. Lúc đó, VFF đã mau lẹ đưa ra quyết định từ chối. Một phần vì họ không đủ tiền, một phần vì bóng đá Việt Nam khi ấy chưa có cơ sở nào để tuyển mộ một thuyền trưởng cao giá.
Ông Park và VFF sẽ bắt đầu đàm phán về hợp đồng mới vào tuần sau. Ảnh: Ngọc Thành.
Nói như vậy để thấy việc bàn tới, bàn lui về mức lương cao mà HLV Park được cho là đã đề nghị có vẻ không đúng trọng tâm. Ông hay bất kỳ HLV nào khác khi ngồi vào bàn đàm phán, đều sẽ đưa ra mức lương dựa trên khối lượng và áp lực công việc mà họ chuẩn bị phải đón nhận. Năm 2002, lương của Henrique Calisto ở nhiệm kỳ đầu tại đội tuyển quốc gia vào khoảng 10.000 USD đến 15.000 USD cho bản hợp đồng một năm trong bối cảnh bóng đá Việt Nam không có gì để hy vọng sau thất bại ở Tiger Cup 2000 và SEA Games 2001. Nhưng ở nhiệm kỳ thứ hai, với một đội tuyển vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008, lương "thầy Tô" vọt lên 25.000 USD. Nếu tính trượt giá sau 10 năm và đẳng cấp hiện tại của bóng đá Việt Nam, có thể thấy mức lương khởi điểm để các bên đàm phán hiện nay chí ít cũng phải gấp đôi hoặc gấp rưỡi so với thời "thầy Tô", chưa kể những khoản phụ phí.
Nói cách khác, chuyện HLV Park đòi bao nhiêu lương không quan trọng bằng việc Việt Nam dự kiến sẽ trả lương cho HLV là bao nhiêu để bảo đảm thực hiện đúng các tham vọng trong tương lai. Bản chất của tiền lương nằm ở chính năng lực, tham vọng của đội tuyển Việt Nam chứ đâu phải từ đòi hỏi của người được tuyển dụng. Từ chỗ ở nhà chung cư thu nhập thấp, nay sống trong căn hộ cao cấp, chi phí hằng tháng tăng là một chuyện mà còn phải đổi cả lối sống, cách thức chi tiêu. Không lẽ giờ lại đi trách... tại sao chúng ta có đẳng cấp cao thế, cầu thủ giỏi thế làm gì?
Có nhiều ý kiến cho rằng HLV Park được lợi từ một thế hệ cầu thủ rất tốt mà bóng đá Việt Nam đang sản sinh. Cũng có ý kiến tin rằng, thu nhập của ông có một khoản rất lớn, còn hơn cả tiền lương, đến từ những hoạt động thương mại hình ảnh, một phần lợi ích khác mà ông nhận được từ chính thành công của bóng đá Việt Nam. Điều đó hoàn toàn chính xác, và HLV người Hàn Quốc cũng không giấu diếm ham muốn được ở lại Việt Nam vì những điều đặc biệt mà ông đang có.
Nhưng một lần nữa, hãy thử đặt ngược vấn đề. Nếu một HLV khác đến, họ sẽ không nhận được những gì mà ông Park đang hưởng bên ngoài. Các khoản tiền tài trợ khi đó, có thể sẽ chảy về phía đội tuyển. Nhưng HLV mới không có thu nhập phát sinh, chắc chắn sẽ tập trung vào việc đàm phán tiền lương thật cao để bảo đảm an toàn. Thế thì VFF chẳng khác nào phải lấy tiền từ túi này, bỏ sang túi kia.
Điều đó cho thấy đàm phán với HLV Park là dễ nhất, thuận lợi nhất và cũng chắc chắn là... rẻ nhất. Chẳng có ai trước khi ngồi đàm phán mà lại bảo mình tha thiết muốn ở lại, khác gì tạo điều kiện cho đối phương "ép giá". Ít nhiều, chính HLV Park đã chủ động đặt yếu tố tiền lương xuống hàng sau cùng trong các điều khoản thương lượng.
Alfred Riedl sau khi trải qua đến 20 chỗ làm việc trong đời huấn luyện, bao gồm ba lần làm ở đội tuyển Việt Nam, từng cầm quân đội tuyển Áo, Lào, Indonesia, Liechtenstein, Palestine... rồi cũng từng dẫn đắt đội hạng Nhì - Khánh Hòa, bị sa thải khỏi Hải Phòng... Bây giờ ông sống như một người già ở vùng quê nhà yên bình, thi thoảng "chạy sô" bình luận truyền hình mỗi dịp AFF Cup. Calisto, một người hùng khác của bóng đá Việt Nam, cũng sống đơn giản với gia đình tại quê nhà, làm công tác nghiên cứu chuyên môn. Họ là những con người có thể được dựng tượng trong lịch sử bóng đá Việt Nam, nhưng thực tế vẫn đang sống cuộc đời bình thường, giản dị. Đơn giản vì đó là những người chuyên nghiệp.
Thế nên, việc tự cho rằng ông Park sẽ mất cái này, thua cái nọ, rủi ro ra sao nếu rời Việt Nam thì đó là chuyện... không cần thiết. Đó là một HLV chuyên nghiệp, họ biết mình đáng giá bao nhiêu và có thể làm được gì, hay thậm chí khi nào thì nên chủ động chia tay. Năm 2011, Calisto rời Việt Nam một cách đột ngột vì áp lực quá lớn nhưng lương bổng không bằng phía Muangthong United trả. Ông mất gì, được gì không quan trọng bằng việc bóng đá Việt Nam rơi thẳng vào thất bại suốt từ năm 2011 đến 2014.
Tóm lại, Việt Nam đang có một đội tuyển tiềm năng, có sự ủng hộ đặc biệt từ người hâm mộ - một lý do đủ để thuyết phục các nhà tài phiệt sẵn sàng bỏ tiền trả lương cho HLV Park. Nhưng trả bao nhiêu và thuyết phục ai trả tiền cho khoản đó, thì chắc chắn là việc của VFF chứ không phải của xã hội. VFF từng là lý do khiến nhiều HLV giỏi phải ngao ngán, lắc đầu chia tay không cần quan tâm đến tiền lương hay đãi ngộ. Nếu họ giỏi, có lẽ nhà cầm quân Hàn Quốc cũng chẳng thể quá "sòng phẳng".
Nói như bầu Đức gần đây, VFF phải tự tìm ra thật nhiều tiền mà trả cho các HLV như ông Park, hay chí ít cũng tự bỏ tiền trả lương như chính ông đã làm khi còn ở cương vị phó Chủ tịch VFF khóa trước. Điều đó thể hiện trách nghiệm, năng lực cũng như tầm nhìn của VFF.
Một ông chủ có thể giỏi không bằng nhân viên, nhưng chí ít họ phải đủ giàu để thuê người giỏi hơn mình.
Theo Song Việt/VnExpress