BGTV- Thời tiết hiện nay có nhiều diễn biến thất thường, thời điểm này cũng là lúc bệnh dại ở chó mèo có nguy cơ bùng phát. Do đó người dân cần nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các yêu cầu từ ngành thú y khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn.
Bệnh dại ở động vật, đặc biệt là thú nuôi thân quen trong gia đình như chó, mèo thường có nguy cơ tăng cao vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Đây cũng là căn bệnh dễ truyền sang người qua các vết cắn, cào, liếm của động vật bị dại lên vùng da bị tổn thương… Người bị chó dại cắn nếu không được tiêm vắc xin phòng dại kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong do vi rút dại gây viêm màng não tủy cấp tính.
Khi phát hiện động vật nuôi có biểu hiện bất thường cần mang đến cơ sở y tế để thăm khám và đảm bảo an toàn, tránh tự xử lý tại nhà
Để chủ động phòng, chống bệnh dại trên động vật trong mùa hè, các trạm chăn nuôi, thú y trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, chuẩn bị dụng cụ vật tư cho công tác tiêm phòng vắc xin dại tới đàn chó mèo. Cán bộ trạm, nhân viên thú y các xã, phường tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức thường trực tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại điểm tiêm của Trung tâm 24/24h tất cả các ngày trong tuần, không để người bị động vật nghi dại cắn đến tiêm mà không được tiêm, nhất là vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh…
Theo Chi cục Thú y Bắc Giang, bệnh dại có thể xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, nhưng thường bùng phát vào mùa hè do thời tiết nóng bức là điều kiện cho virus dại phát triển. Do đó, công tác tăng cường phòng, chống bệnh rất cần thiết. Bệnh dại có thể phòng tránh được bằng cách tiêm vacxin phòng bệnh cho người (đối với những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, người nuôi dạy thú, người làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực đang có dịch); đồng thời, chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, tại nhiều địa phương, khi cán bộ thú y rà soát, thống kê chó, mèo trong diện tiêm, nhiều hộ dân tỏ rõ thái độ không hợp tác, không khai báo đầy đủ, không đưa chó, mèo đi tiêm.
Người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng cho vật nuôi
Anh Bùi Văn Thành (Phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) cho biết: “Nhà nuôi 2 con chó hơn năm tuổi nhưng nhiều khi tôi cũng chủ quan trong việc tiêm phòng, nhưng vừa rồi hàng xóm có người bị cắn vì chính chó nhà nuôi, lo quá nên tôi cũng phải mang chó nhà mình đi tiêm khẩn trương, đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình cũng như những người xung quanh”.
Hiện nay, vacxin phòng dại cho chó, mèo hiện nay đã được qua nghiên cứu, kiểm nghiệm bởi các cơ quan chuyên môn, nên xác suất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của chó, mèo thấp, người dân có thể yên tâm về sức khoẻ của chó, mèo sau khi tiêm phòng dại. Để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dại thì tiêm phòng cho chó, mèo là biện pháp đơn giản, hữu hiệu và tiết kiệm nhất, giá vacxin phòng dại cho chó, mèo thấp, chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/liều. Trong khi đó, việc tiêm vacxin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người lại tương đối phức tạp và có giá thành cao hơn mặc dù an toàn, đối với người trưởng thành, để tiêm huyết thanh kháng dại cần 2 đến 3 lọ (tuỳ theo trọng lượng cơ thể), giá thành của một liều tiêm có thể lên tới tiền triệu, khá tốn kém.
Tình trạng thả rông vật nuôi không được rõ mõm phổ biến trong khu dân cư
Để ngăn chặn nguy cơ bệnh dại trong mùa hè, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo và tình hình tiêm phòng bệnh dại tại địa phương. Các hộ dân lưu ý không nên thả rông động vật nuôi; khi chó, mèo ra ngoài cần đeo rọ mõm. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đặc biệt chú ý khi chăm sóc chó mèo phải chủ động có biện pháp đề phòng không để bị chó mèo cắn, nhất là khi chó mèo có dấu hiệu bị ốm, lúc này cần sơ cứu rửa nhẹ vết thương, băng bó và đến ngay cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không tự ý giết thịt chó, mèo bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân. Khi nghi chó mèo bị bệnh dại, phải thực hiện tiêu hủy theo hướng dẫn của cán bộ thú y, khi phát hiện có dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo phải báo cáo ngay tới chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp kiên quyết để dập tắt dịch bệnh càng nhanh càng tốt.
Minh Anh