BGTV- Sáng 16/3, tại Khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế - Thị trấn Cầu Gồ diễn ra Lễ Kỷ niệm 135 năm Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884 – 16/3/2019), khai mạc Lễ hội Yên Thế và đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhì.
Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí : Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số tỉnh bạn, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các du khách thập phương.
Đồng chí Vũ Trí Hải – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện Yên Thế phát biểu khai mạc
Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Yên Thế đã ôn lại lịch sử hào hùng, vẻ vang, tinh thần bất khuất của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp gần 30 năm (1884-1913); khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực trong các tầng lớp nhân dân tiếp tục xây dựng quê hương Yên Thế ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong 5 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên thế đã 3 lần được nhận cờ thi đua của tỉnh; và trong những ngày đầu năm, xuân mới 2019, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế. Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bùi Văn Hải – Bí thứ tỉnh ủy Bắc Giang trao Huân chương Lao động hạng Nhì và Bằng khen cho đại diện huyện Yên Thế
Có được những thành tích trên, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Thế, Yên Thế đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Sở, Ban, ngành tỉnh; sự cổ vũ động viên, giúp đỡ kịp thời của các huyện bạn trong và ngoài tỉnh; sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và những người con Yên Thế xa quê - đối với huyện trong phát triển kinh tế, cũng như trong giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Trong lễ kỷ niệm năm nay, Chương trình văn nghệ với chủ đề “Âm vang núi rừng Yên Thế” tái hiện lễ tế cờ do tập thể diễn viên Nhà hát Chèo Bắc Giang thể hiện. Cùng với đó là chương trình ca múa nhạc do các nam, nữ diễn viên Trường trung cấp Văn hóa Thể thao Du lịch Bắc Giang và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn với những giai điệu ngọt ngào, đem đến niềm tin và hi vọng vào một mùa xuân mới, vận mệnh mới của quê hương, đất nước.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như hội trại thanh niên, thi nấu cơm niêu, đập niêu, kéo co, bịt mắt bắt lợn, biểu diễn nghệ thuật rối nước, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp, bắn nỏ, hát quan họ trên thuyền, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá nữ, hội diễn văn nghệ quần chúng...
Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16/3/1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 16/3 dương lịch, lễ hội lại được tổ chức tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, đại bản doanh Phồn Xương năm xưa. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của hệ thống di tích về Cuộc khởi nghĩa Yên Thế, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế là Di tích Quốc gia đặc biệt; ngày 27/12/2012, Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL đã ký Quyết định công nhận Lễ hội Yên Thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Yên Thế được tổ chức hằng năm nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó là phát huy giá trị và nét đẹp của những di sản văn hóa mà cha ông để lại trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm nói chung. Thông qua Lễ hội Yên Thế để du khách thập phương cảm nhận được ý nghĩa chính trị và văn hóa sâu sắc, vừa mang tính truyền thống, tâm linh và hiện đại, tạo nét độc đáo của vùng quê Yên Thế thượng võ, giàu truyền thống cách mạng, vừa để bày tỏ tấm lòng tri ân với người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và các anh hùng nghĩa sỹ của ông; vừa để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa, nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc./.
Minh Anh