BGTV- Tết Nguyên Đán đang đến rất gần, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Bắc Giang đã bắt đầu bày bán các mặt hàng hoa, cây cảnh cung ứng cho thị trường. Đằng sau những cánh hoa rực rỡ, ẩn trong những thế cây cảnh đẹp là những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn của nhiều người lao động.
Đơn sơ, giản dị với chiếc xe đạp cũ kỹ từ nhiều năm nay, với chị Bùi Thị Xuyến (xã Danh Thắng, Hiệp Hòa) đã bán hàng trong thành phố được hơn 3 năm nay chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Chồng mất được 4 năm nên một mình chị “gồng gánh”, 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ xuống thành phố bán hàng đành gửi lại cho ông bà ngoại chăm sóc, chị cùng một vài người nữa cùng làng thuê một nhà trọ nhỏ, người bán hoa quả, người bán đồ ăn sáng, đến chiều lại tập hợp ra khu “chợ lao động” trên đường Nghĩa Long xem ai gọi việc thì làm.
Gánh hàng rong của chị Xuyến với "mùa nào thức nấy"
Với chị Xuyến, Tết đến mang theo hàng trăm nỗi lo, lo bán không hết thì không có tiền lo Tết cho gia đình, lo tích cóp khi con cái ngày một lớn, sức khỏe mình ngày càng hạn chế... chị chia sẻ: “Tranh thủ mấy tháng cuối năm đi bán hàng thêm thắt được đồng nào hay đồng ấy, chồng thì phụ hồ, mình ở nhà mà chỉ trông vào làm nông thì không đủ ăn được, đi bán hàng thế này cũng vất vả lắm nhưng chỉ biết ăn tiêu tằn tiện lại, chắt bóp được vài trăm nghìn để thêm cho cái Tết được đầy đủ, con cái đỡ khổ hơn”.
Số lượng những người bán hàng rong tại Bắc Giang cũng khá nhiều, hầu hết trong số họ đều không có trình độ hay bằng cấp, vì nhiều lí do khác nhau mà họ đổ về thành phố để tìm kế sinh nhai dịp Tết. Có người do thu nhập ở quê quá thấp, không đủ nuôi gia đình, có người do không còn ruộng đồng để canh tác… Rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng họ đều mang chung một số phận - số phận của những người dân lao động nghèo.
Cũng dựa vào Tết để kiếm thêm thu nhập, “đội ngũ” tài xế chạy xe ôm, chở hàng thuê, còn trong những ngày giáp Tết, ngoài chở khách, họ còn nhận chở hoa, cây cảnh cho khách hàng chơi Tết.
Những người lao động hối hả vào vụ hoa Tết.
Không bỏ lỡ “thời cơ vàng” trong năm, nhu cầu vận chuyển hoa Tết tăng cao, anh Trần Văn Phú (45 tuổi) chạy xe ôm ở khu vực ngã Dĩnh Kế) đã tranh thủ thời điểm này làm thêm công việc thời vụ là chở thuê cây cảnh. Anh Phú cho biết: ‘Ngày thường chở khách cho thu nhập trung bình khoảng 100 nghìn đồng/ngày nhưng dịp gần Tết tôi chuyển sang chở chậu hoa hoặc cây đào, quất,… cho khách mua về chơi Tết. Cuối năm xe cộ chạy đông nên đòi hỏi phải cứng tay lái và thật cẩn thận, nếu hàng của khách rớt bể chậu hay hư hại là mình phải đền tiền oan’.
Với nhiều lao động, Tết là dịp để có thêm thu nhập.
Theo anh Phú, tùy theo quãng đường xa hay gần mà chi phí khác nhau, từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm đồng cho một chuyến đi. “Nhiều khi đến nơi người ta thấy thương nên lì xì thêm nên thu nhập cũng khá. Tết đến nơi rồi nên phải cố gắng làm, dù mệt, vất vả, một chút cũng phải ráng, để có thêm thu nhập, đón cái Tết đủ đầy hơn” – anh Phú chia sẻ.
Tết đã cận kề, cuộc sống của những lao động nghèo chưa hết nhọc nhằn. Song, dù bản thân còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng khi được hỏi có mong ước gì khi năm mới sắp tới, thì những con người ấy bày tỏ những mơ ước thật giản đơn: Tết này có thể đủ đầy hơn mọi năm, con cái có thêm quần áo mới tươm tất, hay chỉ đơn giản là có nhiều việc để làm và “mua may bán đắt”./.
Minh Anh