BGTV- Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm qua đã có nhiều chuyển biến, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống HIV/AIDS đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo nên một phong trào mang tính xã hội rộng rãi và thu được kết quả rõ rệt.
Dịch HIV xuất hiện ở Việt Nam từ cuối những năm 1980, trong những năm gần đây tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Bắc Giang về cơ bản đã được khống chế ở đa số địa phương và các nhóm dễ bị cảm nhiễm HIV/AIDS, số người nhiễm HIV/AIDS mới phát hiện đã giảm liên tục 3 năm gần đây, phần lớn người nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu tập trung trong nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, số lượng lây nhiễm giảm nhưng chưa đủ thời gian đảm bảo bền vững.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có trên 3.100 trường hợp nhiễm HIV, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn trong dự phòng, can thiệp giảm tác hại và truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đặc biệt, tập trung xét nghiệm, tư vấn, phát hiện mới người nhiễm HIV nhằm sớm đạt mục tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất) của Liên Hợp Quốc.
Chương trình điều trị bằng Methadone giúp người nghiện ma túy giảm nguy cơ lây nhiễm HIV
Nhằm giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Sở Y tế cho biết đến nay ngành đã cấp, phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí tại các huyện, TP thông qua hệ thống tuyên truyền viên đồng đẳng. Công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng được quan tâm, cùng với đó, chương trình điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh cũng thu được nhiều kết quả tốt, đa số bệnh nhân tuân thủ điều trị, ổn định sức khỏe và tinh thần, giảm sử dụng ma túy, an ninh, trật tự xã hội được cải thiện... Để mở rộng quy mô, thời gian tới, ngành Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thêm cơ sở điều trị tại tuyến huyện huyện, đồng thời nghiên cứu, đề xuất giao cho Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức điều trị cho những trường hợp có liều dùng ổn định.
Hình thái lây nhiễm HIV ở Bắc Giang vẫn đang trong giai đoạn tập trung, tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới, cao trong nhóm gái mại dâm, bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và thấp ở các nhóm quần thể khác. Theo khuyến cáo của các tổ chức Quốc tế và Cục phòng, chống HIV/AIDS, đây là giai đoạn phù hợp để triển khai các biện pháp can thiệp. Nhằm phòng, chống dịch HIV/AIDS, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể như: thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ, kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ được các cấp, ngành tỉnh Bắc Giang chú trọng đẩy mạnh suốt những năm qua
Sau 6 năm triển khai công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế giai đoạn 2013-2018 đã đem lại những hiệu quả tích cực. Cùng với việc dừng hoặc giảm mức độ sử dụng ma tuý, các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu trước điều trị có tới 91% bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, chỉ sau 6 tháng điều trị tỷ lệ sử dụng ma tuý này còn 8,9%. Những thay đổi tích cực về giảm tỷ lệ sử dụng ma tuý, sử dụng bơm kim tiêm chung trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình góp phần dự phòng lây nhiễm HIV, trong số bệnh nhân tham gia điều trị có đến hơn 90% bệnh nhân đã từng vi phạm pháp luật, khi điều trị tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn khoảng 7%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng hệ thống cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống AIDS: Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; Mỗi huyện/thành phố đều thành lập 01 Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; tại mỗi Trung tâm Y tế có 01 khoa Kiểm soát dịch bệnh và phòng, chống HIV/AIDS, có cán bộ chuyên trách hoạt động lĩnh vực này.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục được tập trung thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó công tác tuyên truyền là một trong những phương pháp góp phần giảm sự lây lan một cách tích cực, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh AIDS, cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm HIV/AIDS. Hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện trên nhiều kênh truyền thông với nội dung phong phú, các loại hình văn hóa nghệ thuật, các buổi tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức giao lưu văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tệ nạn xã hội... thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động tuyên truyền đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân, từ đó nâng cao trách nhiệm đối với việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Trong thời gian tiếp theo tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học để vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma tuý từ cơ sở, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp, các ngành giúp cho việc chỉ đạo đạt hiệu quả ổn định, bền vững.
Minh Anh