Quan hệ giữa Moskva và Kiev rạn nứt vì Ukraine muốn xích lại gần phương Tây và lâm vào khủng hoảng sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Vụ Nga bắt tàu Ukraine đang thu hút sự chú ý toàn cầu và làm dấy lên những câu hỏi về cách phản ứng của các tổ chức quốc tế. Nga và Ukraine tuy là những đối tác thương mại lớn của nhau nhưng quan hệ chính trị đã có nhiều khúc mắc từ sau khi Liên Xô tan rã.
Tháng 12/1991, Ukraine trưng cầu dân ý để độc lập khỏi Liên Xô. Nga, Ukraine và Belarus sau đó thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, gồm các thành viên cũ của Liên Xô. Dù đã tuyên bố độc lập, các nước này vẫn có nhu cầu phối hợp hoạt động cùng nhau trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, chính sách đối ngoại.
Nhưng trong 5 năm sau, Ukraine tìm cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Họ quay về phía phương Tây và muốn gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu - điều Nga kịch liệt phản đối, theo AFP.
Hiệp ước hữu nghị
Tháng 5/1997, Nga và Ukraine ký hiệp ước hữu nghị giải quyết một số bất đồng lớn bằng cách cho phép Nga giữ quyền sở hữu phần lớn các tàu trong hạm đội Biển Đen đặt tại Crimea của Ukraine trong khi yêu cầu Moskva trả tiền cho Kiev để sử dụng cảng Sevastopol. Tuy nhiên, nó không giúp loại bỏ nguồn cơn căng thẳng chính là quan hệ của Kiev với NATO.
Dù vậy, Moskva vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Kiev. Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 của Ukraine diễn ra không suôn sẻ vì cáo buộc gian lận. Chiến thắng của Viktor Yanukovych, người có quan điểm thân Nga, đã gây ra những cuộc biểu tình lớn. Kết quả bỏ phiếu không được công nhận, khiến Ukraine tổ chức vòng bầu cử thứ hai. Tháng 12/2004, lãnh đạo phe đối lập thân phương Tây Viktor Yushchenko trở thành tổng thống.
Cuộc chiến khí đốt
Tháng 1/2006, công ty khí đốt Nga Gazprom ngừng các chuyến hàng tới Ukraine sau nhiều tháng bất hòa về giá cả. Động thái này ảnh hưởng đến việc chuyển hàng đến các nước châu Âu, những bên cần khí đốt Nga để vượt qua mùa đông lạnh giá.
Nga một lần nữa làm vậy vào tháng 1/2009 do Ukraine không thanh toán các khoản nợ, đồng thời đình chỉ trong hai tuần tất cả lô hàng đến châu Âu thông qua Ukraine. Việc này lặp lại vào năm 2014 và vấn đề được giải quyết sau các cuộc đàm phán do EU đứng ra làm trung gian.
Biểu tình thân phương Tây
Tháng 11/2013, Yanukovych, người trở thành tổng thống Ukraine năm 2010, cho ngừng đàm phán về hiệp ước thương mại và chính trị với Liên minh châu Âu để ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Nga. Các nhóm đối lập thân châu Âu biểu tình trong nhiều tuần để yêu cầu Yanukovych từ chức.
Phong trào này lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 2/2014 khi cảnh sát bắn người biểu tình, khiến gần 90 người thiệt mạng. Yanukovych bỏ chạy sang Nga và một chính phủ lâm thời được thiết lập. Tỷ phú ngành bánh kẹo Petro Poroshenko trở thành tổng thống Ukraine tháng 6/2014.
Biểu tình chống chính phủ thân Nga tại Quảng trường Độc lập tại Kiev tháng 2/2014. Ảnh: AFP.
Nga sáp nhập Crimea
Những người ủng hộ thân Nga đụng độ với người ủng hộ chính phủ lâm thời vào tháng 2/2014 tại Simferopol, thủ phủ của bán đảo Crimea. Ngày 16/3/2014, Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Ukraine và gia nhập Nga.
97% người Crimea bỏ phiếu ủng hộ, mặc dù động thái này bị coi là bất hợp pháp bởi Kiev và các nước phương Tây. Hai ngày sau, Tổng thống Nga Putin ký quyết định sáp nhập Crimea vào Nga.
Ly khai ở đông Ukraine
Tháng 4/2014, cuộc nổi dậy ủng hộ Nga nổ ra ở các khu công nghiệp miền đông Ukraine, những người biểu tình chiếm các tòa nhà chính quyền địa phương. Các quan chức thân Nga ở Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai khỏi Ukraine.
Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga kích động cuộc nổi dậy và hỗ trợ cho phe ly khai về người và vũ khí. Điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc này.
Giao tranh giữa hai bên khiến hơn 10.000 người chết. Ukraine ký lệnh ngừng bắn với phe ly khai vào năm 2015. Tuy thỏa thuận giúp giảm cường độ giao tranh, nó không giải quyết được bế tắc chính trị của khu vực.
Tòa nhà bị hư hại do giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai tại Vuhlehirsk, Ukraine tháng 3/2015. Ảnh: AP.
Nga giữ tàu Ukraine
Căng thẳng mới nhất diễn ra vào ngày 25/11 ở eo biển Kerch, nối Biển Azov và Biển Đen ở ngoài khơi rìa phía đông bán đảo Crimea. Nga xây dựng một cây cầu dài bắc qua eo biển, nối liền bán đảo Crimea với đất liền. Hồi tháng ba, Ukraine đã bắt một tàu cá đi từ Crimea. Trong khi đó, Nga gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, kiểm tra tất cả các tàu thuyền đến hoặc đi từ các cảng của Ukraine, làm gián đoạn các hoạt động thương mại. Ukraine phản đối, gọi hành động này là "phong tỏa kinh tế".
Hai tàu hải quân và một tàu kéo của Ukraine đã bị Nga bắn và bắt giữ. Nga nói các tàu Ukraine vi phạm lãnh hải của mình, trong khi đó, Kiev khẳng định tàu chiến Nga nổ súng khi ba tàu Ukraine đã rút ra khu vực cách lãnh hải Nga 20 km.
Hành động của Nga khiến phương Tây tức giận chỉ vài ngày trước khi ông gặp Tổng thống Mỹ Trump tại Hội nghị G20 ở Argentina. Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi cả hai bên giữ bình tĩnh, nhưng họ đang bị phân tâm vì Brexit (Anh rời EU) và có thể có ít năng lượng để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới liên quan đến Nga và Ukraine.
Mặc dù giới phân tích cho rằng hành động này làm tăng nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện giữa Ukraine và Nga, họ nhận định cả hai bên đều không muốn một cuộc đối đầu hoàn toàn và lãnh đạo của cả hai nước có thể đã nhận được kết quả mà họ muốn, theo AP.
Putin, người có mức tín nhiệm giảm trong thời gian gần đây, củng cố thông điệp rằng Crimea đã thuộc về Nga và ông sẽ không cho phép bất cứ ai nghi ngờ điều đó.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng có thể hưởng lợi từ việc quốc hội Ukraine bỏ phiếu để áp đặt thiết quân luật trong 30 ngày. Mức tín nhiệm của Poroshenko đã giảm mạnh, việc thể hiện rằng mối đe dọa từ Nga đang gia tăng có thể giúp ông đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào đầu năm sau.
Theo VnExpress