Những năm gần đây, phần lớn các doanh nghiệp đều có thưởng Tết cho người lao động, nhưng có nơi thưởng tiền tỷ, nơi lại chỉ vài chục nghìn đồng.
Theo thống kê của Cục quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), mức thưởng Tết 2018 thấp nhất chỉ là 20.000 đồng/người, thuộc về 1 doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc.
Trước đó, năm 2017, một doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất cũng chỉ đạt 50.000 đồng/người.
Trong khi đó, ở nhiều doanh nghiệp, mức thưởng “khủng” có thể lên tới cả tỷ đồng.
Hiện chưa có quy định cụ thể về việc thưởng Tết trong các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Trao đổi về vấn đề có nên quy định cụ thể hơn về mức tiền thưởng Tết trong dự thảo Luật Lao động 2012 sửa đổi đang được Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Khó quy định cứng trong luật rằng doanh nghiệp phải thưởng bao nhiêu".
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Luật Lao động hiện hành quy định, tiền thưởng Tết không mang tính bắt buộc, mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động.
“Lâu nay các doanh nghiệp thường quy định rõ về tiền thưởng đối với phần năng suất lao động tăng thêm. Còn tiền thưởng Tết, thông thường trong các thỏa ước lao động tập thể sẽ quy định nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì sẽ thưởng để tạo động lực cho người lao động, chứ không quy định cụ thể. Nội dung này hoàn toàn phụ thuộc vào thương lượng giữa chủ sử dụng lao động và người lao động”, ông Lợi cho biết.
Từ thực tế những năm gần đây, ông Lợi cho rằng, nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt sẽ không dại gì không thưởng cho người lao động, vì đây là động lực đến họ gắn bó hơn với doanh nghiệp. Việc có quy định “cứng” tiền thưởng Tết trong Luật hay không cũng cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng vì đây là cơ hội để giới chủ chăm lo đến đời sống người lao động, đồng thời khuyến khích lao động hiệu quả, năng suất hơn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cũng cho rằng việc quy định "cứng' về khoản tiền thưởng Tết trong Luật sẽ rất khó và cần đánh giá tác động từ nhiều phía.
Cũng theo ông Huân, việc chi trả thưởng Tết của doanh nghiệp nhà nước đã có khung nhất định, dựa vào quỹ phúc lợi, khen thưởng không quá 3 tháng lương. Trong khi đó, mức chi thưởng cuối năm của doanh nghiệp tư nhân và FDI thường không cố định. Nhưng nhiều năm qua, mức thưởng Tết của doanh nghiệp FDI vẫn thường đứng đầu trong bảng khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH. Tất nhiên, mức thưởng cao chỉ dành cho một số cá nhân có đóng góp cao trong doanh nghiệp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, những doanh nghiệp làm việc nghiêm túc sẽ không dại dột chi trả và đãi ngộ cho người lao động ở mức thấp trong điều kiện sản xuất - kinh doanh có kết quả tốt. Bởi lẽ, nếu vậy, doanh nghiệp sẽ tự làm mất đi nguồn nhân lực quan trọng, ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng, quan hệ lao động hiện nay có tính ngang bằng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động có nhiều sự lựa chọn công việc và nơi làm việc nào hấp dẫn, hợp với năng lực.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) lại cho rằng, thực tế hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều thưởng Tết, nhưng vẫn nên quy định cụ thể trong luật. “Trong 5 nguyên tắc về sửa đổi luật lần này, có nguyên tắc về việc đưa các nội dung đã được chứng minh trong thực tiễn vào luật. Việc thưởng Tết đã được thực hiện lâu nay, nhưng vẫn chưa được quy định cụ thể, mà chỉ có khung cơ bản, do người sử dụng lao động quyết định, tức họ có thể thưởng hoặc không”.
Tuy nhiên, để tránh tạo áp lực cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn khuyến khích người lao động, ông Quảng cho rằng nên có sự tính toán, cân nhắc kỹ về mặt kỹ thuật để đưa ra quy định./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN