BGTV- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra không ít trường hợp tai nạn lao động (TNLĐ), một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do nhận thức cả người lao động (NLĐ) và người sự dụng lao động còn hạn chế.
Phổ biến, tập huấn kiến thức về ATVSLĐ tới NLĐ là rất cần thiết để đảm bảo một môi trường lao động an toàn
Trường hợp anh Đỗ Văn H (xã Yên Sơn, Lục Nam) là một trong rất nhiều những vụ TNLĐ do bất cẩn trong quá trình làm việc. Làm việc cho một công ty cơ khí, trong một lần do sơ suất khi thao tác với máy đột dập, anh H bị cuốn đứt bàn tay. Dù không nguy hiểm tính mạng, song tai nạn đã khiến anh H mất nhiều máu, đau đớn và ảnh hưởng tới tinh thần cũng như sinh hoạt sau này. “Tôi là lao động chính trong gia đình nên bị tai nạn thế này khiến cuộc sống khó khăn đi rất nhiều, chưa kể sau này cũng khó làm việc trở lại, có chăng lại đi tìm việc nào đó phù hợp hơn với sức khỏe bản thân, chỉ cần 1 vài giây lơ là bất cẩn cũng có thể để lại hậu quả lớn” – anh H cho biết.
Tại không ít đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ còn thờ ơ đối với các quy định về đảm bảo ATVSLĐ
TNLĐ hiện nay là vấn đề đáng lo ngại đối với tất cả người lao động cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn, tuy nhiên để hiểu đúng và tuân thủ nghiêm ngặt theo các yêu cầu, quy định thì không phải cá nhân, đơn vị nào cũng đáp ứng được. Theo Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân là do nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm về vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), công tác phòng chống cháy nổ. Ngoài ra có nhiều vụ TNLĐ trong các lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chưa được thống kê đầy đủ... Nếu công tác thông tin báo cáo thực hiện nghiêm, thì số vụ TNLĐ trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Tình trạng mất ATLĐ có thể tới từ nhiều phía, đối với đơn vị sử dụng lao động còn chưa chú trọng tới việc trang bị kiến thức cho NLĐ về ATVSLĐ, hoặc làm một cách qua loa, hình thức, chỉ phổ biến trên lý thuyết mà không gắn với thực hành, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo hộ; không chú trọng cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho NLĐ, các doanh nghiệp tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ và đo kiểm môi trường lao động còn rất hạn chế.
Bên cạnh đơn vị sử dụng lao động, một thực tế hiện nay là trình độ NLĐ trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều dẫn tới nhận thức về công tác đảm bảo ATVSLĐ chưa cao. Qua thanh kiểm tra, ngành chức năng ghi nhận vẫn còn tình trạng NLĐ không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định an toàn; không sử dụng các phương tiện bảo hộ dù đã được trang bị... Ý thức chấp hành, tác phong chuyên nghiệp còn chưa cao, nhất là trong lao động sản xuất các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, người NLĐ còn làm việc theo kinh nghiệm, thói quen nên nguy cơ mất ATLĐ còn cao.
Môi trường làm việc muốn đảm bảo an toàn cần đến ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa được thường xuyên để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm, chế tài xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh, chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp tự khắc phục... dẫn tới tình trạng phát động theo phong trào, khi có tai nạn mới lo khắc phục, do đó TNLĐ vẫn luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất ngờ.
Tai nạn trong lúc làm việc là hiểm họa luộn rình rập NLĐ, ngoài nguy cơ tử vong có thể xảy ra, nạn nhân thường gặp những chấn thương, tổn hại nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần. Với NLĐ phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại thì nguy cơ mất an toàn càng cao, do công tác đảm bảo ATVSLĐ càng trở lên cấp thiết cả về luật ban hành và thực tiễn tại nơi lao động.
Minh Anh