Nghi vấn điểm thi cao bất thường tại Hà Giang có liên quan đến khâu coi thi hay chấm điểm? Ngày 13/7, PV Dân trí có cuộc trao đổi với đại diện Học viện Ngân hàng. Được biết kì thi THPT quốc gia 2018, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phối hợp Học viện Ngân hàng, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang làm công tác coi thi.
Bộ GD&ĐT yêu cầu xác minh vụ điểm thi THPT quốc gia "cao bất thường" ở Hà Giang
Kết quả thi THPT quốc gia của Hà Giang “cao bất thường”: Giám đốc Sở GD&ĐT nói gì?
Được biết kì thi THPT quốc gia 2018, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phối hợp Học viện Ngân hàng, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang làm công tác coi thi. Tại khâu chấm thi còn có sự giám sát của lực lượng công an. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cử hai thanh tra về địa phương để giám sát.
Trao đổi với PV Dân trí, trưa 13/7, PGS.TS.Phạm Quốc Khánh - Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, sau khi có quyết định của Bộ GD&ĐT liên quan đến phối hợp tổ chức thi, Học viện (HV) Ngân hàng đã cử 250 cán bộ giáo viên đến Hà Giang làm công tác coi thi.
Căn cứ vào đề nghị của Hà Giang, HV Ngân hàng đã cử 20 cán bộ làm phó điểm thi, 20 thanh tra cắm chốt các điểm thi và phân bổ cán bộ làm công tác coi thi tại các điểm thi cùng với các cán bộ của Trường CĐSP Hà Giang.
Ngoài công tác chuẩn bị hậu cần, HV Ngân hàng đã có 2 lần tập huấn chuyên môn về các điểm mới và công tác bảo mật của kì thi cho cán bộ giáo viên ở đây.
Nghi vấn điểm cao bất thường tại Hà Giang, HV Ngân hàng khẳng định, đơn vị mình hoàn toàn làm đúng quy trình. (Ảnh: Minh họa).
Ngày 22/6, các cán bộ đã có mặt ở địa phương này để chuẩn bị cho kì thi. Hai bên đã phối hợp rất chuẩn và chuyên nghiệp, đầy đủ và đúng quy chế, phân công công tác kĩ càng ở tất cả các vị trí thanh tra cắm chốt.
Về thông tin nhiều thí sinh tại Hà Giang số báo danh gần nhau có điểm thi cao giống nhau. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu công tác coi thi ở địa phương này có chặt chẽ?
Ông Khánh cho hay: "Trong quá trình coi thi, chúng tôi không phát hiện được bằng chứng gì bất thường về việc trao đổi bài, tráo bài… bởi ngoài lực lượng cán bộ các trường ĐH, CĐ, còn có cả công an.
Đặc biệt ở Hà Giang, tất cả các huyện đều có Ban chỉ đạo thi do Phó Chủ tịch huyện làm trưởng ban, có công an, giao thông, y tế và Đoàn thanh niên tham gia đầy đủ.
Khi phát đề thi, đề tự luận môn Ngữ Văn được phát theo quy định do Trưởng ban coi thi quyết định.
Đối với môn trắc nghiệm, quy định tối đa phòng có 24 thí sinh thì có 24 mã đề (hoặc ít hơn tùy tình hình thực tế). Các mã đề này được phát theo thứ tự từ phải qua trái và chạy từ trên xuống dưới sao cho các mã đề không trùng nhau.
Tuy nhiên, đến công tác chấm thi, ông Khánh cho hay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, HV Ngân hàng được cử cán bộ về làm thanh tra chấm thi tại Thái Bình chứ không còn phụ trách tại Hà Giang nữa, do vậy, tiêu cực có thể xảy ra ở khâu chấm thi hay không, đơn vị này không thể biết được.
Và theo tìm hiểu của PV, với cách phát đề trên đây, khi trích file điểm của Hà Giang, có thể thấy các thí sinh điểm cao có số báo danh không gần nhau.
Trong khi chấm thi, Bộ GD&ĐT có quy định chấm kiểm tra. (Ảnh: Mỹ Hà).
“Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT sẽ có phương án để kiểm tra xác minh sự việc ở đây. Nếu có sai sót thì phải lên án nhưng về công tác coi thi, có thể khẳng định, chúng tôi làm đúng theo quy định.
Nếu Bộ GD&ĐT cần thiết phối hợp tìm hiểu về công tác coi thi này, chúng tôi sẵn lòng phối hợp để tìm hiểu nếu sai sót đó có liên quan đến công tác coi thi”, ông Khánh cho biết.
Trao đổi thêm với PV Dân trí, ông Khánh cho hay, mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT có quy định chấm kiểm tra, đó là việc tốt.
Trong 20 năm làm giáo dục, chấm kiểm tra, thẩm định lại một số bài thi thì có nhưng tổ chức chấm lại toàn bộ hoặc thi lại thì ông chưa gặp bao giờ.
Về nghi vấn điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu Hà Giang tiến hành ngay việc rà soát tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi và nhanh chóng báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT.
Về công tác thanh kiểm tra quá trình chấm thi, ông Trinh cho hay: “Bộ GD&ĐT đang cân nhắc việc sẽ cử người tham gia ngay từ đầu vào việc rà soát các khâu của kì thi tại Hà Giang.
Nếu cần thiết, Bộ GD&ĐT có thể yêu cầu chấm thẩm định. Đây cũng là việc bình thường của công tác hậu kiểm nhằm đảm bảo tính khách quan, thực chất của kỳ thi”.
Theo Mỹ Hà/Dân trí