BGTV- Dù còn nhiều khó khăn song những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển rất mạnh mẽ, thu hút được đông đảo người dân thuộc nhiều tầng lớp và độ tuổi tham gia. Đây được xem như sợi dây kết nối, gắn kết cộng đồng, từ đó cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
“Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các địa phương trong tỉnh lồng ghép hiệu quả những năm qua. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT quần chúng đã lan tỏa tới khắp các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ khối các cơ quan nhà nước tới trường học, hộ gia đình... Hàng năm, các giải thể thao tại các xã, huyện được tổ chức thực sự trở thành ngày hội của nhân dân. Từ những hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nếp sinh hoạt văn minh, lành mạnh trong cộng đồng, giúp thanh thiếu niên trong nhiều vùng quê tránh xa các tệ nạn xã hội, khuyến khích tinh thần của người dân trong lao động, sản xuất.
Cùng tập luyện thể thao vào các buổi chiều là thói quen của nhiều người dân TP Bắc Giang
Có thể thấy, sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng, tăng cường thần đoàn kết, nghĩa tình giữa các cá nhân trong xã hội. Khi mọi người cùng hướng đến mục tiêu rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống lành mạnh sẽ không chỉ mang lại hiệu quả cao về sức khỏe, tạo không khí phấn khởi sau những giờ lao động vất vả mà còn trở thành nơi giao lưu văn hoá của các tổ chức và cá nhân trong xã hội.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 270 sân cầu lông trong nhà, 580 sân bóng đá, 330 sân bóng chuyền và trên 80 sân quần vợt, tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 33%... với các hình thức tập luyện phổ biến như thể dục dưỡng sinh, Aerobic, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, bóng bàn, võ thuật... ngoài ra các tổ chức, cá nhân đã đầu tư khoảng 20 sân cỏ nhân tạo hiện đại, nhờ đó phong trào đá bóng ngày càng khởi sắc.
Tại các khu dân cư, tùy theo từng độ tuổi và sở thích, mỗi người dân đều có thể tự lựa chọn cho mình những hình thức thể thao phù hợp. Chị Nguyễn Thị Thủy (đường Vương Văn Trà, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) cho biết: “Cứ chiều đến là mấy nhà trong khu phố lại gọi nhau đi tập bóng chuyền hơi, hoạt động này chúng tôi duy trì từ gần 3 năm nay nên đã thành thói quen rồi, cũng nhờ vậy mà tình cảm gắn bó, không chỉ trong thể dục thể thao mà các hoạt động khác mọi người cũng rất đồng thuận, nhất trí cao”.
Có thể thấy, chính sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào đã tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng nhân dân, từ đó gia tăng tinh thần đoàn kết, nghĩa tình giữa các cá nhân trong xã hội. Hàng năm trên khắp các địa phương có hàng loạt các hoạt động thi đấu, ngày hội thể thao, là điểm hẹn giao lưu văn hóa của đông đảo người dân. Tham gia các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, dù là chơi bộ môn nào thì tất cả mọi người đều hướng đến mục tiêu rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh tật, xây dựng nếp sống lành mạnh.
Theo Sở VH TT&DL tỉnh Bắc Giang, bên cạnh những thành tích đã đạt được, phong trào TDTT quần chúng vẫn còn những tồn tại như phát triển chưa đồng đều; thiếu điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; sự chênh lệch về hưởng thụ giá trị, lợi ích từ hoạt động TDTT có khác biệt lớn giữa các vùng miền và tầng lớp, đối tượng nhân dân... do đó các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực, xã hội hóa để hoàn thiện điều kiện tập luyện đồng thời tuyên truyền tới các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc tập luyện TDTT thường xuyên.
Lê An