BGTV- Phượt là cách gọi rất “phiêu” của hình thức du lịch bụi được nhiều bạn trẻ yêu thích. Hiện nay, đây còn là trào lưu rộng khắp, trở thành đam mê của những người theo “chủ nghĩa xê dịch”. Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực thì vẫn còn một số bạn trẻ do không đủ kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết khi tham gia đã biến thú vui này trở nên biến tướng, thậm chí nguy hại, ảnh hưởng xấu tới cộng đồng và những “phượt thủ” chân chính, chuyên nghiệp.
Đam mê khó bỏ
Nổi lên từ hơn 10 năm trước, “phượt” từ chỗ là một khái niệm xa lạ đã trở nên gần gũi thân quen với rất nhiều người. Một chiếc xe máy, một balo cùng các vật dụng cần thiết cho một chuyến du lịch và nhóm bạn thân thiết cùng vi vu tới những vùng đấy mới xa lạ nhưng hấp dẫn… khái niệm phượt đã ra đời như thế. Nó đại diện cho một lối sống phóng khoáng của những người trẻ năng động, thích tìm tòi khám phá, ưa mạo hiểu và đối mặt với những thử thách có thể gặp phải trên đường đi. Vượt lên tất cả, đó là sự trải nghiệm của bản thân trước những điều vượt ra khỏi “vùng an toàn”, cũng từ những chuyến đi rong ruổi hàng trăm nghìn cây số ấy, những bài học về cuộc đời, về con người được mở ra trước mắt những người trẻ như một cách rèn luyện kỹ năng sống.
Nói về thú vui xê dịch đã “ngấm vào máu” của mình, bạn Nguyễn Quang Tuấn (Phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) chia sẻ: “Bắt đầu đi phượt từ khi tham gia hội nhiếp ảnh trong trường đại học, từ đó mình bị cuốn theo lúc nào không hay. Đây không chỉ là cơ hội để những người cùng sở thích trao đổi kinh nghiệm mà còn mang lại những bài học về cuộc sống cho một đứa vốn nhút nhát như mình, đến mỗi vùng đất mới, tìm hiểu về lối sống tập quán của người dân mỗi vùng miền chính là bài học sống động mà không thể sách vở nào diễn tả được”.
Nhóm phượt - đồng thời là bạn thân của Tuấn trên những hành trình Bắc - Nam khó quên
Có thể thấy, thứ “văn hóa bụi bặm” được đúc kết trên mỗi cung đường được hình thành từ chính những khao khát những điều mới mẻ của giới trẻ. Ngày càng nhiều người muốn thoát ra khỏi kìm kẹp của cuộc sống hiện đại, hòa mình vào cuộc sống phóng khoáng đầy thử thách bên ngoài như một phần không thể thiếu của những tâm hồn, những đôi chân đang tuổi “bay lượn”.
Xu hướng phải chăng đang lệch lạc?
Tuy nhiên, mỗi hình thức, thú vui nào nếu không được xây dựng từ những con người đam mê thật sự, có “tâm và có tầm” sẽ rất dễ trở nên lệch lạc, biến tướng. Thậm chí với nhiều người hiện nay, nhắc đến từ “phượt”, họ sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh xấu xí, vô tổ chức, phóng nhanh vượt ẩu, phá hoại cảnh quan… của những “phượt thủ nửa mùa”.
Hãy trân trọng những nơi bạn qua, thay vì dùng nó để "đánh bóng" bản thân mình
Chỉ cần mở trang mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy hàng ngàn nhóm có cùng đam mê. Nếu như trước đây những người dày dạn kinh nghiệm mới dám đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm cho các chuyến đi mà trong giới gọi là leader (người dẫn đoàn). Thậm chí leader “phượt” được mặc định như người tự nguyện bởi đam mê du lịch, nay bỗng biến thành một thứ nghề kiếm tiền thay vì hướng tới chia sẻ trải nghiệm. Họ thu tiền của những bạn đồng hành tham gia chuyến đi do họ tổ chức một cách vô tội vạ, thiếu minh bạch trong chi tiêu dẫn đến mâu thuẫn.
Anh Trần Trọng Quân, trưởng nhóm “Phượt cùng đam mê” tại Hà Nội chia sẻ: “Đã là sở thích cá nhân mỗi người thì không ai có quyền phán xét, tuy nhiên nhiều bạn trẻ chỉ coi “phượt” như một thứ mốt thời thượng để thể hiện bản thân, họ hoàn toàn không có những khái niệm về việc tuân thủ nguyên tắc đi theo nhóm, đảm bảo an toàn cá nhân và kỹ năng xử lý tình huống gặp phải trên đường, chưa kể đến tình trạng ồ ạt đi phượt, người dẫn đoàn thiếu kinh nghiệm, chỉ chú trọng thu tiền mà quên đi chất lượng mỗi chuyến đi”.
Niềm vui sau mỗi chuyến đi giúp mang lại năng lượng tích cực cho cuộc sống
Sự bùng nổ thông tin và mạng xã hội, những hình ảnh long lanh “sống ảo” sau mỗi chuyến đi như một “chất kích thích” khiến nhiều bạn trẻ “liều mình” trên mỗi cung đường. Không khó để bắt gặp những hình ảnh “vạ vật”, nằm ngủ ven đường quốc lộ trong đêm tối, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, nhiều bạn nữ thậm chí còn không hề biết thông tin về người bạn đồng hành... Phượt hiện giờ “dễ dãi” hơn trước rất nhiều khi chỉ cần lên mạng xã hội, tham gia một nhóm tổ chức, nộp chi phí và ghép cặp “xế - ôm”, còn những cạm bẫy và hiểm nguy rình rập trên những nẻo đường bụi bặm lại không hề được biết đến. Những người của “chủ nghĩa xê dịch” khi xưa thấy xót xa khi giới phượt giờ khác xưa nhiều, nó biến chất, gập ghềnh và đầy rẫy thị phi.
Tiếc nuối trước những gì nhiều người trẻ đang hành xử với “phượt”, bạn Quang Tuấn chia sẻ: “Mình không dám hi vọng sẽ có nhiều người hiểu được giá trị thật của phượt văn minh vì mỗi người có cách hành xử khác nhau, tuy nhiên chỉ mong các bạn trẻ, mỗi khi lăn bánh trên đường hãy có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, tôn trọng môi trường… chỉ đơn giản như vậy chúng ta sẽ tận hưởng trọn vẹn niềm vui của mỗi chuyến hành trình”.
Những câu chuyện buồn từ dân phượt năm nào cũng có, những bài học đắt giá mà nhiều bạn trẻ phải đánh đổi bằng sinh mạng và cả những năm tháng thanh xuân đã khiến “phượt” từ một thứ văn hóa, một lối sống lành mạnh, văn minh trở nên lệch lạc. Người trẻ chúng ta hôm nay, đi để học tập, để tích lũy, để trân trọng những giá trị sống quanh mình, vậy thì tại sao bạn không đi phượt bằng cảm nhận của mỗi bước chân, của cảnh vật, của sự đồng cảm chia sẻ giữa người với người thay vì coi nó như thứ để “đánh bóng” bản thân?!
Lê An