BGTV- Trong tiềm thức của nhiều người Việt, Tết Trung thu vẫn được coi là dịp Tết đoàn viên, khi người lớn quây quần bên gia đình, trẻ nhỏ háo hức với bánh nướng bánh dẻo, đèn ông sao... Tuy nhiên, cùng với sự hội nhập, cách tận hưởng ngày lễ của giới trẻ đã có nhiều đổi khác khi những giá trị truyền thống và sắc màu bình dị của những mùa Trung thu khi xưa được thay thế bằng sự hào nhoáng, ồn ào.
Phải chăng giới trẻ dần biến Trung thu thành Lễ hội Halloween ?!
Những ngày này, trên phố phường ngập tràn sắc màu xanh đỏ của đồ chơi, lồng đèn báo hiệu một mùa Trăng tròn nữa đang đến rất gần, không khó để bắt gặp các hàng quán bán đồ chơi phục vụ ngày nay. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung thu Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh các món đồ truyền thống, nhiều người dễ “giật mình” bởi sự xuất hiện của những chiếc mặt nạ ma quỷ đầy máu, kinh dị cùng nhiều món đồ chơi, quần áo đủ màu sắc mô phỏng các nhân vật trong phim ... Hầu hết những sản phẩm này đều không có xuất xứ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó những mẫu mã "thời thượng" khác cùng các vật dụng hóa trang quen thuộc như tóc giả, cánh tiên, vương miện, áo choàng, trang phục phù thủ, công chúa, hoảng tử... thậm chí cả những món đồ chơi mang tính bạo lực như súng nhựa, dao, kiếm... Rõ ràng các món đồ đó không liên quan gì đến Tết Trung thu của người Việt nhưng lại được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Bác Trần Thị Thủy (Phường Trần Phú, TP Bắc Giang) ngao ngán: “Đồ chơi bọn trẻ bây giờ khó hiểu lắm, Tết trung thu mà cứ như lễ hội hóa trang, nhiều cháu có loại mặt nạ quái vật, mấy đứa bé nhìn thấy sợ hết hồn luôn”.
Tết Trung thu nay đã trở thành một bữa tiệc hóa trang với nhiều bạn trẻ
Những chiếc đèn lồng tre, ông sao năm cánh thưa dần mà thay vào đó là các đồ chơi hiện đại. Chị Nguyễn Thị Lan (cửa hàng mã trên đường Quang Trung, TP Bắc Giang) cho biết: “Lượng khách mua các loại mặt nạ truyền thống, đầu lân ít hơn trước, chủ yếu là các khách ở huyện hoặc trường học mua về tổ chức Trung thu, giờ các loại đồ chơi khác nhiều nên giới trẻ ít để ý đến những loại mặt nạ giấy bồi hay đèn giấy như thế này lắm”.
Đồ chơi truyền thống nằm im lìm một góc phố, ngày Rằm tháng 8 cũng vì thế mà dần trở nên xô bồ, náo nhiệt nhưng lại chẳng còn gần gũi nữa.
Các loại đồ chơi ngoại nhập tuy mẫu mã không có nhiều thay đổi song sự xuất hiện "bành trướng" của những món đồ chơi kinh dị cũng đủ khiến đồ chơi dân gian trở nên “lạc lõng”, chẳng còn nhiều người “mặn mà” với những chiếc mặt nạ chú Tễu, thằng Bờm, hay Thị Nở...
Các loại mặt nạ kinh dị trở nên phổ biến trong dịp Trung thu những năm gần đây
Vẫn biết rằng xã hội ngày càng phát triển thì càng có sự giao lưu giữa các nền văn hóa nhưng việc biến đêm Trung thu thành một bữa tiệc hóa trang có lẽ đang dẫn khiến một nét đẹp văn hóa bị mai một. Bên cạnh đó, với ý nghĩa là ngày lễ “Đoàn viên” – đề cao sự gắn kết của tình thân, gia đình, nhưng trong dịp này nhiều bạn trẻ lại chọn cách tụ tập cùng nhau ăn uống, thậm chí nhậu nhẹt, say sỉn... Những “điểm trừ” này càng khiến cho sự ấm áp gần gũi vốn có của ngày Rằm tháng 8 càng trở nên phai nhạt.
Nếu không giữ lại những vẻ đẹp truyền thống vốn có, nếu chọn cách sống “hiện đại” theo một cách xô bồ như vậy, Trung thu với thế hệ trẻ sau này liệu còn đọng lại những gì...?
Lê An