So cả nước, trung du miền núi phía Bắc là vùng cây ăn quả lớn thứ hai, chỉ sau vùng ĐBSCL. Nhiều loại đặc sản trái cây đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới.
Tổng diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đạt khoảng 247,9 nghìn ha. So miền Bắc, TDMNPB là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm 59,11% diện tích cây ăn quả toàn miền (419,3 nghìn ha); So cả nước, TDMNPB là vùng cây ăn quả lớn thứ hai (23,23% so cả nước), chỉ sau vùng ĐBSCL (33,83%).
Trong nhóm các loại quả chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, vùng TDMNPB có 8 loại quả có đóng góp đáng kể gồm vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na và dứa; với tổng diện tích đạt 185,96 nghìn ha, chiếm 28,27% so cùng nhóm loại quả của cả nước và chiếm hơn 75% tổng diện tích cây ăn quả vùng TDMNPB.
Vườn chanh leo sai trĩu quả ở Sơn La.
Với sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong thời gian qua, sản xuất quả an toàn, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, liên kết sản xuất được chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện, đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên đến nay còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so quy mô sản xuất. Đã hình thành được một số THT, HTX sản xuất cây ăn quả, liên kết chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ. Tiêu biểu là tỉnh Sơn La tính đến đầu năm 2019 có 190 hợp tác xã trồng cây ăn quả, trong đó có 41 hợp tác xã được cấp chứng nhận VietGAP.
Đánh giá về những kết quả đạt được của các tỉnh TDMNPB, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trên cả ba trụ cột kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi gò, xây dựng nông thôn mới vùng này đã có bước tiến bộ rất đáng kể. “Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cho đến nay đã đạt được kết quả tổng quan tích cực. Vùng này coi trọng kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng. Hiện nay đã trở thành một vùng có hệ số che phủ cao nhất cả nước với bình quân của 14 tỉnh là 53%. Đây là một kết quả để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế và sự bền vững trước tác động biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Cụ thể theo ông Lê Văn Đức – Cục trưởng Cục trồng trọt – Bộ NN-PTNT, người dân khu vực này đã phát triển tốt kinh tế vùng đồi gò với chủ lực là tập trung phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và các nhóm cây trồng khác kết hợp với chăn nuôi. Hiện nay diện tích cây ăn quả đạt 255.000 ha đứng thứ 2 trong 7 vùng kinh tế - xã hội về chỉ tiêu cây ăn quả. Chính cây ăn quả đã đem lại đời sống rất tích cực cho bà con khu vực này. Cùng với đó, phong trào phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp bộ mặt nông thôn ở đây có những bước thay đổi vượt bậc. Hiện nay vùng này đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP, bước đầu khai thác tiềm năng, lợi thế của một nền nông nghiệp đặc sản của khu vực. Sự kết hợp giữa tận dụng yếu tố khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng đa dạng sinh học với nét văn hóa đã bước đầu làm nên hơn 1.000 sản phẩm OCOP và còn nhiều sản phẩm tiềm năng.
“Các sản phẩm OCOP đã mang lại sức sống, sức sản xuất để cùng với các thiết chế hạ tầng cứng là 35% xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới đã tạo ra một diện mạo mới và đời sống với thu nhập bình quân bà con nông dân đạt trên 30.000.000 đồng/người trong năm 2019. Trên cả ba trụ cột kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi gò, xây dựng nông thôn mới vùng này đã có bước tiến bộ rất đáng kể” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào cuộc cùng bà con
Chỉ tính riêng Sơn La, đến nay riêng cây ăn quả đã có tới 37 cơ sở chế biến, trong đó có 11 nhà máy rất hiện đại. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc mời gọi được các DN vào đầu tư các nhà máy mới là bước 1. Vấn đề là phải tạo được sự liên kết bền chặt, hữu cơ giữa việc tổ chức vùng nguyên liệu, công tác chế biến với tổ chức thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm Sở Nông nghiệp, các đơn vị thành tố phải vào cuộc cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp để bàn với dân mở ra những cây trồng gì, sản phẩm gì, tuân thủ theo quy trình nào, tiêu chuẩn nào… thật nghiêm ngặt để sản phẩm đủ quy mô hàng hóa theo yêu cầu, thời điểm; đủ quy chuẩn chất lượng, đủ thời gian theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải đảm bảo môi trường thương mại thật tốt để ổn định thị trường chứ không để tình trạng tranh mua tranh bán; phải xúc tiến đầu tư thương mại thật tốt để phát triển thị trường trong nước và thị trường quốc tế. “Tỉnh vừa qua đã vào cuộc, tới đây Bộ cũng sẽ vào cuộc quyết quyết liệt hơn nữa để chúng ta phải mở tất cả các nhóm thị trường, kể cả thị trường cao cấp, thị trường phổ thông, thị trường truyền thống, có như vậy thì nông sản mới tạo ra chuỗi giá trị dài hơn, bền vững hơn trên thị trường quốc tế và thúc đẩy phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nông sản của Sơn La được khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, nếu tập trung sản xuất lớn lại có tình trạng “được mùa mất giá” hoặc hàng ùn ứ không bán được. Giải tỏa băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Câu chuyện về dung lượng thị trường thế giới thì chúng ta chưa vội lo là bão hòa, vì dung lượng thị trường thương mại thế giới là 360 tỷ USD tiền rau quả thương mại, so với gạo gấp 10 lần (gạo hiện nay chỉ có 36 tỷ USD). Tăng trưởng về nhu cầu thị trường này từ 3 đến 5% theo năm. Do đó, chúng ta chưa vội sợ bão hòa thị trường thế giới. Chúng ta chỉ không bán được hàng khi hàng của ta không đủ không tốt, không đảm bảo an toàn, không cung ứng đúng theo yêu cầu.
Chính vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương trong vùng phải căn cứ lợi thế từng vùng để lựa chọn đối tượng (từ điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, điều kiện đa dạng sinh học, điều kiện tổ chức văn hóa, sản xuất…) để lựa chọn nhóm đối tượng chứ không phải là cái gì cũng có. Chúng ta đa dạng trên cơ sở có chọn lọc, có giới hạn để tập trung vào chuyên sâu những nhóm nông sản. Làm như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo được sức sản xuất chung và đảm bảo hài hòa không bị quá tập trung vào một đối tượng sản xuất để dẫn đến bất cập về thị trường./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nong-nghiep-dac-san-cac-tinh-phia-bac-su-troi-day-than-ky-814938.vov