Thuế quan được dỡ bỏ giúp hàng Việt Nam có thêm lợi thế để xuất khẩu nhưng nguy cơ đi kèm là ngành nào tăng trưởng tốt sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tụng
Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ hợp pháp mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại. Các biện pháp PVTM gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Nguy cơ nhóm hàng "có lợi thế"
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra 32 vụ, gấp đôi cả năm 2019 (16 vụ). Tính từ trước đến nay, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng giúp kim ngạch xuất khẩu gia tăng cũng khiến Việt Nam phải đối mặt với gần 200 vụ PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD.
Theo Bộ Công Thương, những mặt hàng thường "dính" kiện PVTM chủ yếu là mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như: kim loại, sợi, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất... Thị trường được coi là "khắc tinh" với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là: Mỹ, Ấn Độ, châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ..., chiếm tới 62% tổng vụ điều tra ở tất cả các quốc gia.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm thép tới hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN... Sự gia tăng xuất khẩu những năm qua đồng thời cũng dẫn đến việc doanh nghiệp (DN) thép phải đối diện với nhiều vụ kiện về PVTM. Theo thống kê của VSA, từ năm 2004 đến tháng 8-2020, ngành thép có 62 vụ liên quan đến PVTM. Trong đó, chống bán phá giá 34 vụ, chống trợ cấp 3 vụ, chống bán phá giá và chống trợ cấp là 6 vụ... "Một trong những nguyên nhân hàng đầu là tình trạng dư thừa công suất toàn cầu khi 10 năm qua, công suất luôn lớn hơn nhu cầu thực khoảng trên 500 triệu tấn thép/năm. Nhiều thị trường chuyển từ trạng thái phải nhập khẩu sang tự sản xuất và xuất khẩu được. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, việc đối diện với các vụ kiện PVTM sẽ ngày càng nhiều hơn" - ông Đa cảnh báo.
Mặt hàng tôm xuất khẩu thường có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại Ảnh: NGỌC ÁNH
Tôm, cá tra là 2 mặt hàng lợi thế của thủy sản Việt Nam đã phải đối phó với PVTM ở thị trường Mỹ từ rất sớm. Trong đó, cá tra bị khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ năm 2002, còn tôm bắt đầu từ năm 2004. Bằng nhiều nỗ lực, trong đó có kiện ra WTO, các DN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Bộ Công Thương đã chứng minh DN Việt Nam không bán phá giá. Kết quả là đa số DN nổi bật xuất khẩu tôm, cá tra vào Mỹ không phải chịu thuế chống bán phá giá.
Riêng Tập đoàn Minh Phú - DN nhiều năm xuất khẩu tôm không bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá - hồi đầu năm nay bất ngờ bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với những lô hàng xuất khẩu vào Mỹ do nghi ngờ DN sử dụng nguyên liệu từ Ấn Độ. Vụ việc đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng nhưng đã cho thấy rõ ràng những mặt hàng Việt Nam có lợi thế chính là những mặt hàng dễ bị kiện phòng vệ nhất.
Cảnh báo sớm
Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM - Bộ Công Thương, kinh nghiệm cho thấy ở nơi nào thuế quan hạ xuống, rào cản phi thuế sẽ nâng lên tương ứng. Với thị trường EU, năm 2019, Việt Nam đã có thặng dư thương mại 26,5 tỉ USD nên khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020 với lộ trình giảm thuế của EU cho hàng Việt Nam ngắn và sâu hơn chiều ngược lại nên khả năng Việt Nam gây thâm hụt thương mại cho EU lớn hơn. Trong khi đó, EU vốn là thị trường áp dụng PVTM nhiều thứ 2 thế giới sau Mỹ nên nguy cơ EU áp dụng các biện pháp PVTM lên hàng hóa Việt Nam cũng sẽ lớn. DN Việt Nam phải hết sức chú ý với những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị EU áp dụng biện pháp PVTM như: nông sản chế biến sâu (cà phê, hạt điều), dệt may, giày dép, thép, đồ gỗ, phụ tùng xe đạp...
Luật sư Lê Thành Kính, Công ty Luật Lê Nguyễn, nhìn nhận việc ký kết các hiệp định thương mại là cần thiết để mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan và phù hợp với xu thế hội nhập về kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là hầu như chưa DN, hiệp hội nào chuẩn bị tâm thế cho "hậu hiệp định". "DN không tự tìm hiểu cũng không được phổ biến kỹ càng về điều khoản liên quan đến PVTM. Nhiều DN còn sản xuất, xuất khẩu theo tư duy cũ là lấy giá cả làm yếu tố cạnh tranh chủ yếu, dẫn đến tất yếu bị kiện nếu như ghi nhận số lượng xuất khẩu vào một thị trường tăng đột biến hoặc làm ảnh hưởng đến nền sản xuất của nước bạn" - ông Kính nhận xét và góp ý nên xây dựng một nền sản xuất không chỉ cạnh tranh bằng giá mà còn bằng chất lượng.
Luật sư Lê Thành Kính lưu ý DN phải có kế hoạch sản xuất chuyên nghiệp hơn, thể hiện qua việc xác định đặc thù của từng mặt hàng và thị trường xuất khẩu, quan tâm đến nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là minh bạch giá cả. Về phía ngành công thương, cơ quan tham tán, nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm hiểu chính sách pháp luật của nước xuất khẩu, chỉ ra những nguy cơ bị kiện ở từng mặt hàng và thị trường cụ thể, liên kết với phòng thương mại các nước để hỗ trợ bảo hộ hàng Việt...
Ông Đinh Công Khương - Chủ nhiệm CLB Các DN thép tại TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai - đánh giá thời gian qua, dưới tác động của các hiệp định thương mại, xuất khẩu nhôm, thép sang một số thị trường tăng đáng kể nên khó tránh các nước buộc phải áp dụng biện pháp tự vệ. "Để hạn chế bị thiệt hại, các DN trong CLB thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, lưu ý lẫn nhau trong việc nắm kỹ pháp luật tự vệ của các nước, theo dõi lượng xuất khẩu vào những thị trường đối tác để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, khuyến khích DN chủ động mở rộng thị trường, tránh dồn tất cả vào một thị trường sẽ rất rủi ro. Ngoài ra, DN cũng cần tự khắc phục hạn chế về tài liệu, hồ sơ, chứng từ... để khi bị kiện, có thể giúp việc tháo gỡ dễ dàng hơn" - ông Khương cho hay.
Lúng túng khi bị kiện Ông Nghiêm Xuân Đa nhận xét DN Việt còn lúng túng, thiếu chủ động trong việc tham gia các vụ kiện. Đa phần DN liên quan trực tiếp đến kiện tụng mới quan tâm đến vấn đề này. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ kiện cũng rất hạn chế, đặc biệt không nhiều DN có luật sư tư vấn để hiểu biết về pháp luật, quy trình điều tra, chi phí theo đuổi vụ kiện... Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận xét phạm vi hàng hóa Việt Nam bị kiện hiện nay đã mở rộng hơn trước rất nhiều, không chỉ dừng lại ở sản phẩm mũi nhọn hay có truyền thống xuất khẩu nhiều mà ngay cả những mặt hàng có quy mô sản xuất nhỏ, không nổi trội cũng bị kiện. Bên cạnh đó, không riêng những đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu mà nhiều nước nhỏ cũng bắt đầu khởi kiện hàng hóa của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với ưu đãi về thuế rất lớn trong khi căng thẳng thương mại và ảnh hưởng từ dịch Covid-19 ngày càng nặng nề, DN Việt cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó, tránh bị động và lúng túng khi vụ việc xảy ra. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/ung-pho-voi-hang-rao-phi-thue-quan-doi-pho-voi-don-phong-ve-thuong-mai-20201019211631871.htm