Doanh nghiệp nhà nước và có vốn góp của nhà nước, doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp dân doanh hoạt động hiệu quả hơn?
Khối DN dân doanh: Nộp thuế nhiều nhất
Tại báo cáo gửi Quốc hội ngày thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ đã đánh giá, so sánh tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh.
Về tổng tài sản, doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 2,9 triệu tỷ đồng. Còn công ty cổ phần có vốn góp nhà nước là hơn 777 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 5,7 triệu tỷ đồng. Còn doanh nghiệp dân doanh là hơn 26,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp dân doanh có tổng tài sản lớn nhất trong khối các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 2,9 triệu tỷ đồng
Tổng doanh thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 6,3 triệu tỷ đồng, chỉ sau khu vực doanh nghiệp dân doanh (hơn 13,5 triệu tỷ đồng). Còn doanh nghiệp nhà nước có tổng doanh thu là hơn 1,5 triệu tỷ đồng; doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước là hơn 643 nghìn tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước là 5,64%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản của doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước là 6,28%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5,97%.Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản của doanh nghiệp dân doanh là 2,22%.
Còn xét trên vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là 12,11%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước là 15,98%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 13,64%. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dân doanh chỉ là 6,76%.
Những số liệu trên cho thấy, doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam vẫn còn khá yếu ớt. Song số liệu nộp ngân sách lại cho thấy đây là khu vực có đóng góp ngân sách nhiều nhất, vượt xa các khu vực còn lại, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, số nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp nhà nước năm 2018 là 267.982 tỷ đồng, của doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước là 99.729 tỷ đồng, của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 186.371 tỷ đồng và riêng doanh nghiệp dân doanh lên tới 365.422 tỷ đồng
Tiềm năng phát triển lớn
Theo báo cáo của Chính phủ, doanh nghiệp dân doanh là khu vực nắm giữ tổng tài sản lớn nhất (gấp 9 lần tổng tài sản của DNNN, gấp 34 tổng tài sản của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước; gấp 5 lần tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); vốn chủ sở hữu lớn (gấp 6 lần tổng vốn chủ sở hữu của DNNN, gấp 29 tổng vốn chủ sở hữu của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước; gấp 3 lần tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chỉ có 38% số doanh nghiệp dân doanh hoạt động có lãi.
Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp dân doanh còn rất nhiều dư địa để phát triển. Do đó, Chính phủ cho rằng: Bên cạnh việc mở rộng số lượng doanh nghiệp thì cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp dân doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp dân doanh phát triển, đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Đóng góp của khu vực FDI còn đặt ra nhiều băn khoăn.
Trong khi đó, các số liệu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại cho thấy những điều đáng suy ngẫm. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp có ưu thế về khoa học kỹ thuật, áp dụng quản lý tiên tiến, được ưu đãi nhiều về cơ chế, chính sách (về thuế, đất đai, lao động... ), hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận cao, tuy nhiên lại chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước chỉ bằng 70% so với doanh nghiệp nhà nước.
Những số liệu thống kê cho thấy, các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất so với các doanh nghiệp khác (tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên tổng tài sản cao nhất so với các khu vực khác). “Điều này đã khẳng định sự đúng đắn và chính xác trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, báo cáo nhận định.
Các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa hoạt động có hiệu quả (gần tương đương với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước), đóng góp quan trọng cho NSNN để phục vụ đầu tư phát triển (đóng góp đứng thứ hai, sau khu vực tư nhân); vừa đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 từ cuối 2019 và 9 tháng năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Các DNNN phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu bị giảm mạnh, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thiếu hụt dòng tiền. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bat-ngo-nhung-con-so-ve-kinh-te-tu-nhan-viet-nam-679978.html