Nhiều tài sản thế chấp giá trị lớn được ngân hàng đem ra đấu giá để thu hồi nợ nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc "đẩy hàng" ra thị trường không dễ
Dịch Covid-19 làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khó khăn hơn cũng là yếu tố góp phần khiến các ngân hàng (NH) rao bán khoản nợ và tài sản thế chấp… nhiều hơn. Theo số liệu của NH Nhà nước, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 2,27 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ toàn hệ thống và tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động NH.
Nhiều tài sản "khủng"
NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc An Giang vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và DN tư nhân Như Ý với số dư nợ gốc và lãi tạm tính đến tháng 11-2019 trên 1.153 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là 154 lô đất nền tại khu đô thị mới - TP lễ hội thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, giá khởi điểm được rao bán hơn 616 tỉ đồng.
BIDV Chi nhánh Phú Tài đang chọn DN thẩm định giá các tài sản bảo đảm của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy cho khoản nợ hơn 1.002 tỉ đồng gồm trung tâm tiệc cưới - khách sạn 8 tầng Crystal Palace ở đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM và rừng trồng ở tỉnh Đắk Nông, 6 ôtô các loại, 2 cụm nhà xưởng và máy móc, thiết bị sản xuất gỗ (không bao gồm quyền sử dụng đất) ở tỉnh Bình Định, hơn 8,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang…
NH này cũng đã thông báo sẽ đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton ở huyện Nhà Bè, TP HCM của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên để giải quyết nợ gốc, lãi phát sinh tạm tính đến tháng 3-2020 hơn 4.063 tỉ đồng.
NH TMCP Sài Gòn (SCB) rao bán đấu giá dự án chung cư cao ốc và biệt thự tại đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM là tài sản thế chấp của một khách sạn với giá khởi điểm hơn 2.352 tỉ đồng.
NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) muốn rao bán tài sản thế chấp lớn là KCN Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP HCM) để xử lý, thu hồi nợ. Tuy nhiên, bất động sản này thuộc đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NH Nhà nước phê duyệt nên việc bán đấu giá đang tạm dừng theo yêu cầu của UBND TP nhằm tiến hành rà soát các vấn đề pháp lý theo quy định.
Không chỉ các dự án bất động sản mà hàng loạt ôtô, nhà xưởng, máy móc, thiết bị tới tàu biển… cũng được các NH phát mại trong thời gian gần đây. Ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước - cho hay dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Ngành NH sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để làm cơ sở xây dựng đề án tiếp theo trong giai đoạn 5 năm tới.
Dự án Kenton (huyện Nhà Bè, TP HCM) đang được Ngân hàng BIDV rao bán. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần luật riêng để xử lý nợ xấu (!?)
Theo dõi tiến độ xử lý nợ xấu của ngành NH nhiều năm qua, một chuyên gia tài chính phân tích việc các NH dồn dập thanh lý tài sản thế chấp trong bối cảnh thanh khoản thị trường kém như hiện tại xuất phát từ nguyên nhân trước đây NH kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ còn tăng giá nên kéo dài tiến độ rao bán. Đến lúc này, thị trường gặp khó, nợ càng để lâu càng dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu, trong khi đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã cận kề… buộc NH phải ồ ạt xử lý.
Về phía NH thương mại, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho hay các khoản nợ phát sinh từ NH TMCP Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank) khá phức tạp, tình trạng pháp lý yếu, tài sản bảo đảm là các dự án chưa hoàn thiện pháp lý... Do đó, Sacombank kiến nghị Chính phủ, NH Nhà nước và các bộ, ngành có cơ chế đặc thù cho NH, đặc biệt trong hoạt động xử lý nợ xấu, để nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu và tài sản còn tồn đọng.
Chuyên gia tài chính NH - TS Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm, tình hình nợ xấu mới có nguy cơ tăng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan công an, chính quyền địa phương, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu. "Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn văn bản theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu vì hiện còn một số bộ - ngành chưa có hướng dẫn cụ thể. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào tháng 8-2022, Chính phủ có thể cân nhắc 2 phương án: ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu nhằm luật hóa để nghị quyết này trở nên mạnh mẽ hơn hoặc gia hạn thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và có sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn, giải quyết những tồn tại đã được chỉ ra qua 5 năm thực hiện" - TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/ngan-hang-o-at-ban-no-ngan-ti-20200927212514343.htm