Ô tô nhập khẩu đang tăng tốc về Việt Nam, trong khi đó, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng tăng công suất. Nguồn cung lớn, liệu giá ô tô có tiếp tục giảm?
Tăng tốc cuối năm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 6.600 chiếc xe ô tô các loại, tăng hơn 40% so với tháng 7/2020 và bằng 75% của cả tháng 8/2020. Trong số đó, hơn 5.100 xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, giá nhập trung bình hơn 380 triệu đồng/chiếc, chủ yếu tập trung vào xe giá rẻ từ Thái Lan và Indonesia.
Số lượng này cũng cao hơn cùng kỳ năm trước với gần 500 xe. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập ô tô về để nước, chuẩn bị cho mùa bán hàng cuối năm. Dự báo số lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vẫn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, thông tin từ một số doanh nghiệp ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cho hay đang tăng công suất với những mẫu xe bán chạy có doanh số cao như Toyota Vios, Hyundai I 10, Accent, Kia Seltos, Honda CR-V, Mazda CX-5,...
Cùng với đó, một loạt mẫu xe mới ra mắt cũng làm cho thị trường ô tô sôi động ở nhiều phân khúc. Toyota Việt Nam tung ra 3 sản phẩm mới là Cross, Hilux và Fortuner; Kia ra mắt 2 mẫu xe là Seltos và Sorento; Honda Việt Nam ra mắt bản nâng cấp CR-V; Vina Mazda ra mắt Mazda 6 mới; sắp tới Mitsubishi Việt Nam sẽ ra mắt mẫu Pajero Sport; còn Ford Việt Nam ra mắt Ecosport mới.
Ô tô nhập khẩu về nhiều, nguồn cung xe tăng mạnh
Với hơn chục mẫu xe cả mới lẫn nâng cấp ra mắt, cùng nguồn cung ô tô tiếp tục tăng lên, trong khi tồn kho vẫn cao, người tiêu dùng thoải mái lựa chọn.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy 8 tháng đầu năm 2020 doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên vẫn giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu về ô tô sẽ tăng lên nhưng không cao như các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự báo cả năm doanh số bán ô tô vẫn tăng trưởng âm.
Hiện tại, nhiều mẫu xe đại hạ giá từ hàng chục tới cả hàng trăm triệu đồng để xả hàng tồn kho. Chẳng hạn, các đại lý Ford Việt Nam đang giảm giá cho tất cả các mẫu xe từ 25-80 triệu đồng. Đặc biệt, mẫu Everest phiên bản Titanium 2.0L AT 4WD sản xuất năm 2019 đang có ưu đãi từ 160-200 triệu đồng, tùy từng màu.
Toyota Fortuner 2019 cũng giảm giá hơn 120 triệu đồng, các mẫu xe khác như Vios, Wigo, Innova,... giá cũng giảm từ 20-60 triệu đồng.
Kia đưa ra chương trình khuyến mại cho 3 mẫu xe là Cerato, Soluto và Sedona, với mức giảm dao động từ 30-60 triệu đồng, để thu hút người mua. Các mẫu xe của Mazda cũng được giảm 20-40 triệu đồng. Còn giá Hyundai i10, Kona và Elantra giảm từ 20-30 triệu đồng. Đặc biệt, VinFast đang thực hiện chế độ ưu đãi lên đến hơn 500 triệu đồng cho 2 mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0
Bên cạnh xả hàng tồn kho, nhiều mẫu ô tô dù vừa ra mắt và mở bán chưa bao lâu nhưng đã được các đại lý mạnh tay áp dụng các chương trình khuyến mại. Honda CR-V 2020, Mazda6 2020, Toyota Fortuner 2021... giá đang giảm từ 10-50 triệu đồng, tặng kèm phụ kiện.
Với xe nhập khẩu, Volkswagen Tiguan Allspace và Passat giảm giá từ 120-170 triệu đồng. Mitsubishi giảm giá Pajero Sport phiên bản máy dầu số sàn gần 100 triệu đồng. Chevrolet Trailblazer đang được đại một số đại lý giảm giá sâu tới 210 triệu đồng. Subaru Forester giảm giá từ 129-189 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
Giá xe tiếp tục giảm?
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước cho biết nhờ được giảm 50% lệ phí trước bạ nên doanh số bán đã khởi sắc và tin tưởng từ nay đến cuối năm sẽ tăng cao hơn. Song, họ cũng lo lắng khi đến 31/12/2020 ưu đãi này chấm dứt, doanh số có thể giảm.
Tuy nhiên, sang 2021 xe nội có hy vọng giảm giá nhiều hơn, nếu các chính sách ưu đãi mới được ban hành.
Tại Nghị quyết 115 NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành ngày 6/8/2020, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Kỳ họp này dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020. Nếu chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới được trình và thông qua, từ 2021, những mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ nhận được ưu đãi lớn. Theo đó, phần giá trị gia tăng trong nước sẽ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, các mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, có điều kiện giảm giá thành và giảm giá bán ra.
Ngoài ra, Covid-19 làm nhiều doanh nghiệp khó khăn, bí đầu ra nên đã có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để kích cầu tiêu dùng. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì ngành ô tô cũng được hưởng lợi, giúp giá xe giảm.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nguon-cung-lon-gia-o-to-co-giam-tiep-676468.html