4
/
97889
Đề xuất thành lập du lịch cầu hàng không: Có khả thi?
de-xuat-thanh-lap-du-lich-cau-hang-khong-co-kha-thi
news

Đề xuất thành lập du lịch cầu hàng không: Có khả thi?

Thứ 5, 24/09/2020 | 16:15:16
339 lượt xem

Đề xuất nghiên cứu thành lập du lịch cầu hàng không an toàn có khả thi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp?

Đề xuất thành lập du lịch cầu hàng không: Có khả thi? - 1

Hãng hàng không và lữ hành đều khẳng định “cứ có khách là hoạt động”.

Với đề xuất nghiên cứu thành lập du lịch cầu hàng không an toàn, từ một điểm đến một điểm, khách chỉ vào các khu du lịch, hạn chế tiếp xúc, không phải cách ly. Đề xuất này có khả thi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp?

Không thể “ngủ đông” thêm nữa

Trong khi doanh thu từ đầu năm tới nay bằng 0, phải vay vốn ngân hàng để cầm cự, thì Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) vẫn chấp nhận “chôn” hơn 10 tỷ đồng tiền đặt cọc vé máy bay từ cuối năm 2019 phục vụ cho cả năm 2020.

“Thế mạnh của chúng tôi là là charter flight (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách theo đoàn) nên tiền vốn đặt cho hàng không rất lớn. Riêng với thị trường Hàn Quốc, dự kiến có gần 100 chuyến bay chuyên cơ trong năm 2020, chưa kể các thị trường khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, châu Âu... Tuy nhiên, dịch dã xảy ra, tất cả đều phải dừng lại từ đầu năm. Cứ đà này, tới cuối năm, công ty phải chịu âm hơn 20 tỷ đồng”, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism JSC cho hay.

Theo bà Ngần, sau đợt dịch lần 2, số tiền đặt cọc cho vé máy bay có nguy cơ mất trắng. Sau nhiều lần kiến nghị, các hãng hàng không cũng nới thời gian chốt vé, nhưng công ty vẫn bị làm khó. Cụ thể, hãng hàng không yêu cầu với vé đoàn phải có ít nhất trên 20 người trên cùng một chuyến bay; vé đoàn phải đi đúng theo chính sách vé đoàn chứ không được chuyển sang mảng lẻ.

Điều này có nghĩa doanh nghiệp lữ hành vẫn phải bỏ tiền mua vé cho khách lẻ (có nhu cầu bay), trong khi vé đoàn và tiền đặt vé đoàn là “bất di bất dịch”. Bà Ngần cho rằng, chính sách này rất thiếu linh hoạt, vì thời điểm này nếu đường bay quốc tế có mở ra cũng ít khách dám bay do tâm lý lo sợ dịch. Nếu có cũng chỉ có khách đi thăm thân, công việc buộc phải đi, mà như vậy thì phải xuất lẻ chứ không thể đủ một đoàn trên 20 khách.

Mặt khác, hàng không cũng yêu cầu doanh nghiệp lữ hành phải xác nhận đoàn trước ngày 30/6/2021, nếu không xác nhận coi như mất vé. “Với điều kiện này, chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị giải quyết bởi chưa thể khẳng định đến thời điểm đó khách có dám bay hay không?”, bà Ngần lý giải.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khó khăn của ngành du lịch đã nhìn thấy rõ, vấn đề là “khốn khó tới khi nào?”. “Tùy theo quy mô, tích lũy tài chính, lĩnh vực hoạt động… các doanh nghiệp lữ hành phải đổi mặt với mức độ khó khăn khác nhau. Với số ít quy mô lớn, cung ứng dịch vụ sản phẩm đa dạng cả trong và ngoài nước thì vẫn có thể xoay xở bám trụ. Ngược lại, với những đơn vị chuyên phục vụ khách quốc tế thì tới nay vẫn chưa thể tìm ra lối thoát”, ông Hoan nhận định.

Tương tự, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho hay: “Nếu như giai đoạn 1 của dịch, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch còn có thể “ngủ đông” thì tới nay chiến thuật này không thể áp dụng được nữa. Thực sự điều duy nhất họ mong muốn là dịch được khống chế, có khách để không bị phá sản”.

“Ánh sáng le lói trong màn đêm”

Mới đây, tại kỳ họp Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), đại diện đoàn Việt Nam đề nghị ASEAN nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không”, hình thành việc di chuyển an toàn trong khu vực.

Theo đó, những cầu hàng không chuyên biệt đến các địa điểm du lịch của các nước thành viên sẽ được thiết lập. Người ở đầu đi được xét nghiệm đảm bảo không nhiễm COVID-19, đầu đến những người đón cũng có kết quả xét nghiệm âm tính và tất cả phương tiện đi lại khép kín, chỉ đến những điểm du lịch rồi về, khách không phải mất thời gian cách ly.

Bày tỏ đồng tình, ông Nguyễn Công Hoan khẳng định, đề xuất trên hoàn toàn khả thi trước mắt trong khu vực ASEAN, sau đó sẽ tính toán mở thêm đối với các thị trường khác.

“Hiện nay, ngoại trừ Indonesia, các nước trong khu vực ASEAN đang có hoạt động kiểm soát, khống chế dịch Covid-19 khá tương đồng. Bản thân du khách tại mỗi nước cũng có nhu cầu cao đi du lịch trong khối. Hơn nữa, ASEAN hiện đã miễn thị thực giữa các thành viên nên việc tổ chức mở đường bay vận chuyển hành khách nội vùng sẽ càng thuận tiện. Đây chính là tiền đề để tính toán lộ trình từng bước mở hành lang du lịch an toàn”, ông Hoan phân tích.

Tuy nhiên, ông Hoan cũng đặt ra vấn đề quan điểm, cách ứng xử trong việc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế tại mỗi nước lại khác nhau.

“Liệu các nước có thể thống nhất quan điểm để cùng duy trì hành động? Một khi nước thành viên chấp nhận mở cửa đường bay với nước thứ 3 thì các nước còn lại có chấp thuận hay không? Đó mới là điều khó nói trong thời điểm này”, ông Hoan nói và đề xuất: “Muốn phát triển kinh tế phải mở từng bước có kiểm soát, đảm bảo an toàn. Chỉ khi mở cửa từng bước bầu trời, doanh nghiệp mới nhìn thấy ánh sáng le lói xua đi màn đêm để tính toán được lộ trình tiếp theo như thế nào”.

Giả thiết đề xuất “du lịch cầu hàng không” thành hiện thực, ông Hoan nhận định: “Bước đầu, không kỳ vọng nhiều vào nguồn thu bởi du khách còn mất thời gian thăm dò, vượt rào cản dịch bệnh.

Sau khi nhìn thấy hàng không có chuyến bay, khách thương mại, khách thăm thân, khách chữa bệnh… đi lại bình thường và an toàn thì người dân mới yên tâm để đi du lịch”.

Tương tự, bà Nhữ Thị Ngần nhận định, nếu mở “du lịch cầu hàng không” an toàn, Việt Nam sẽ là điểm đến ưu tiên của khách nước ngoài.

“Giống như dạng đầu tư kích cầu du lịch an toàn và có điều kiện, động thái này không thể ngay một lúc thu được lợi nhuận nhưng sẽ là đề dẫn tốt cho việc khôi phục lại du lịch bắt đầu từ những vùng nhỏ. Nếu thành công, Việt Nam sẽ có thương hiệu, tạo tiếng vang trong thị trường du lịch với tính an toàn, trách nhiệm cao. Đối với doanh nghiệp lữ hành thì đây chính động lực, niềm tin để chúng tôi bám trụ”, bà Ngần nói.

Tuy nhiên, vị Tổng giám đốc Hanoi Tourism JSC nhấn mạnh cần phải lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tham gia để đảm bảo chặt chẽ quy định y tế, tuân thủ đúng lịch trình, không chiều khách… “Nếu mở các điểm vùng du lịch an toàn nhưng lại cho phép ồ ạt doanh nghiệp tham gia thì sẽ tạo lỗ hổng lớn, khó kiểm soát. Chỉ cần lọt kẽ một lần, chúng ta sẽ khó có cơ hội làm lại”, bà Ngần nói.

Nhiều nước đã tính toán nhưng chưa triển khai

Nhận định về đề xuất “du lịch cầu hàng không” an toàn, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cho rằng, thực chất đây là mô hình liên kết giữa các nước trong vùng nhằm trao đổi khách an toàn, vượt qua e ngại rào cản dịch bệnh để khởi động lại du lịch quốc tế.

“Đây là sáng kiến rất hay nhưng mới chỉ mang tính đơn phương, tới nay vẫn chưa có trao đổi chính thức. Trong khi đó để thực hiện, cần phải có sự đồng thuận, thống nhất giữa các bên để có những biện pháp thực sự đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh, nếu không sẽ có tác dụng ngược trong bối cảnh hiện nay”, ông Đức nói và phân tích: Khách du lịch sử dụng rất nhiều dịch vụ từ vận chuyển tới lưu trú, vui chơi giải trí… tất cả phải đảm bảo đồng bộ.

Theo đó, để chuẩn bị thiết lập không gian an toàn cho khách trải nghiệm cần phải huy động các ngành liên quan của các nước tham gia, từ du lịch, ngoại giao, y tế cho tới công an, xuất nhập cảnh, giao thông vận tải… “Nói như vậy để thấy việc thực hiện đồng bộ là không hề đơn giản.

Trước đó các nước như Singapore, Australia, New Zealand đã đề ra sáng kiến tương tự như hình thức “bong bóng du lịch”, tạo hành lang du lịch từ sau đợt dịch thứ nhất. Họ cũng đã mang ra đàm phán với nhau, nhưng sau khi đợt dịch lần 2 xảy ra, chuyện này không thấy được nhắc lại nữa”, ông Đức nói.

Mặt khác, theo ông Đức, giả sử phương án trên được đưa vào thực thi thì cũng cần cân nhắc ở góc độ hiệu quả kinh tế. “Liệu hiệu quả từ luồng khách này tạo ra có tương xứng với sự mạo hiểm mà chúng ta đánh đổi, tương xứng với nỗ lực tất cả các bên đã bỏ ra? Sau những câu hỏi: Khi nào làm? Làm thế nào?...Chúng ta cũng nên cân nhắc có nên làm hay không?”, ông Đức đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Kích cầu cần phải xem xét trên các yếu tố nhu cầu của khách, chất lượng và giá cả sản phẩm… Nếu dịch chưa được không chế thì liệu khách đã sẵn sàng chưa? Doanh nghiệp có đảm bảo đưa ra những gói sản phẩm đủ sức hấp dẫn về giá cả hay chất lượng chưa?”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Không khuyến khích!

Hiện nay, tất cả khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được kiểm soát bằng xét nghiệm và cách ly. Cụ thể, đối với diện nhập cảnh công dân Việt từ nước ngoài về, hành khách đều phải cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi xét nghiệm tối thiểu 2 lần. Ngay cả khi mở cửa một số chuyến bay thương mại với 1 số quốc gia, hành khách cũng được sàng lọc kỹ càng, có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong thời gian 3 ngày trước khi lên máy bay, khi nhập cảnh tiếp tục được xét nghiệm và cách ly tự nguyện (mất phí tại cơ sở lưu trú) và phải cách ly sau khi có đủ kết quả 2 lần âm tính.

Ở thời điểm này khi dịch bệnh COVD-19 vẫn tiềm tàng nguy cơ bùng phát, phía Bộ Y tế không khuyến khích hình thức du lịch. Bài học từ những lần bùng dịch vừa qua ở cả trong và ngoài nước, cho thấy công tác kiểm soát với dịch bệnh vẫn rất khó khăn.

Cứ có khách là bay!

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietnam Airlines cho biết, sẵn sàng bay nếu có cầu hàng không. “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang bay bình thường. Ngay cả những đường bay mà Vietnam Airlines chưa bao giờ khai thác thì cũng không phải khó khăn gì với Vietnam Airlines nói riêng, với hàng không nói chung. Thực tế, trong đợt đưa công dân Việt Nam về nước vừa qua, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều chuyến bay đến những điểm mà Vietnam Airlines chưa từng đến”, đại diện Vietnam Airlines nói và nhấn mạnh: Cứ được cấp phép bay và có khách hàng đặt là Vietnam Airlines sẵn sàng bay.

Theo VTC News

https://vtc.vn/de-xuat-thanh-lap-du-lich-cau-hang-khong-co-kha-thi-ar571253.html

  • Từ khóa

Vé xe khách Tết 2025 tăng 40 - 60%

Các bến xe khuyến khích nhà xe không tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán, nhưng nếu phải điều chỉnh để bù chi phí xe chạy rỗng cũng không quá 40 - 60% so với...
18:48 - 24/11/2024
203 lượt xem

Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng'

Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
09:23 - 24/11/2024
442 lượt xem

Giá vàng hôm nay 23.11.2024: Vàng tăng lên 5 triệu đồng/lượng

Sau 2 tuần giảm, giá vàng tuần qua đã tăng mạnh, khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Một số dự báo trong tuần tới, giá vàng sẽ tiếp...
08:32 - 24/11/2024
446 lượt xem

Vietjet khai trương đường bay Hà Nội-Kuala Lumpur

Ngày 23/11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại,...
16:57 - 23/11/2024
838 lượt xem

Giá USD tăng cao nhất trong năm

Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép vào thời điểm cuối năm. Giá USD trong ngân hàng tăng cao ở mức kịch trần cho phép còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế...
08:57 - 23/11/2024
1,010 lượt xem