Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.
Sáng nay 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020. Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đến nay, về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; qua đó, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; các tổ chức tín dụng đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống đã được xử lý có hiệu quả...
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (ảnh minh họa).
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).
Đối với hỗ trợ tín dụng cho người dân, doanh nghiệp theo Thông tư số 01, đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Đề cập tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới, bà Hồng cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi;.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng...
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, trong những tháng đầu năm đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-nha-nuoc-11137-nghin-ty-dong-no-xau-duoc-xu-ly-20200922093912318.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Top3&dt_medium=3