Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố trong dự báo ngày 15.9 rằng, trong năm 2020, Châu Á sẽ phải đối mặt với đợt suy thoái đầu tiên sau khoảng 6 thập kỷ, khiến hàng chục triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo Châu Á đối diện tăng trưởng âm lần đầu sau 6 thập kỷ trong năm 2020, trong đó Việt Nam tăng trưởng 1,8%. Ảnh: AFP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực ở mức âm 0,7% trong năm nay, đánh dấu “đợt giảm GDP đầu tiên của khu vực kể từ đầu những năm 1960” - Ngân hàng Phát triển Châu Á chỉ ra.
Theo ADB, suy thoái sẽ diễn ra trên diện rộng, với khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020 - tỉ lệ lớn nhất trong vòng 6 thập kỷ qua.
ADB dự báo, phần lớn khu vực này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021 với GDP đạt mức 6,8%, nhưng đây được xem là mức tăng trưởng “thấp hơn đáng kể” so với những dự báo được đưa ra trước đại dịch COVID-19, hãng tin AFP lưu ý.
“Do đó, phục hồi của khu vực sẽ theo biểu đồ hình chữ L hoặc dạng swoosh (biểu tượng lưỡi liềm như logo của Nike) thay vì hình chữ V” - Ngân hàng Phát triển Châu Á cho hay. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra từ từ chứ không hoàn toàn.
ADB cũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 kéo dài là mối đe dọa chính với triển vọng kinh tế khu vực.
Ngân hàng có trụ sở tại Philippines cảnh báo, việc áp dụng lại các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn COVID-19 có thể cản trở hồi phục và thậm chí gây ra tình trạng “hỗn loạn tài chính”.
Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết: “Khi các nền kinh tế ở Châu Á đang phát triển vẫn có khả năng phục hồi, cần tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố sự phục hồi”.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, các gói hỗ trợ chính sách được công bố đến cuối tháng 8 đã đạt 3,6 nghìn tỉ USD - tương đương khoảng 15% GDP khu vực.
Trung Quốc - nơi khởi phát đại dịch COVID-19 cuối năm ngoái là một trong số ít nền kinh tế đi ngược lại xu hướng suy thoái của khu vực. Sau khi khống chế thành công COVID-19, ADB dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 7,7% năm 2021.
Ngược lại, Ấn Độ - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trên thế giới, với hơn 4,8 triệu ca nhiễm bệnh dù triển khai phong tỏa kéo dài - dự kiến tăng trưởng âm 9% năm 2020 trước khi có tăng trưởng dương 8% vào năm 2021.
Theo ADB, Việt Nam là một trong số 12 nền kinh tế đang phát triển của Châu Á có thể tránh được tăng trưởng âm trong năm 2020, với tăng trưởng ở mức 1,8%. ADB dự đoán Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3% trong năm 2021.
“Con đường và tốc độ phục hồi kinh tế của các nền kinh tế khu vực sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là khả năng kiểm soát và kiềm chế đại dịch” - ADB lưu ý.
Theo báo cáo, khi các nền kinh tế khu vực Châu Á đang phát triển - trải dài từ quần đảo Cook ở Thái Bình Dương tới Kazakhstan ở Trung Á - dự kiến tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 6 thập kỷ, số người nghèo trong khu vực sẽ tăng ít nhất 78 triệu, làm đảo ngược tình trạng giảm nghèo trong khu vực suốt 3 đến 4 năm qua. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của ADB điều chỉnh giảm dự báo lạm phát của khu vực Châu Á đang phát triển xuống mức 2,9% trong năm nay, thấp hơn mức 3,2% nêu trong dự báo đưa ra hồi tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu giảm và nhu cầu giảm. Lạm phát năm 2021 được dự báo tiếp tục giảm xuống 2,3%.
Một điểm sáng tương đối khác trong khu vực là thương mại. Dù xuất khẩu trong khu vực giảm nhưng vẫn được đánh giá là có kết quả tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhờ nhu cầu mạnh về nguồn cung vật tư y tế liên quan đến COVID-19 và đồ điện tử.
Theo Thanh Hà/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/chau-a-doi-dien-suy-thoai-dau-tien-sau-6-thap-ky-viet-nam-tang-truong-836314.ldo