Là điểm đến độc quyền khai thác của VASCO, cạnh tranh bay Côn Đảo đang nóng lên với đường bay thẳng của Bamboo Airways.
Đầu tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn chấp thuận việc thuê ướt máy bay Embraer E195 của Bamboo Airways, tạo điều kiện thuận lợi cho hãng mở rộng đội bay để phục vụ kế hoạch thiết lập mạng đường bay kết nối Côn Đảo với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Rẻ nhất 1,6 triệu đồng/chiều
Ngay sau quyết định này từ nhà chức trách hàng không, Bamboo Airways đã công bố sẽ khai thác 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo, bắt đầu khai thác ngay từ 29/9. Các đường bay này bao gồm đường bay thẳng khứ hồi Hà Nội - Côn Đảo với tần suất 2 chuyến/ngày, các đường bay Vinh - Côn Đảo, Hải Phòng - Côn Đảo với tần suất 1 chuyến/ngày.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc của Bamboo Airways, cho biết giá vé bay thẳng Côn Đảo của hãng sẽ rất cạnh tranh, rẻ nhất ở mức 1,6 triệu đồng/chiều. (Ảnh: BAV).
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt đường bay Côn Đảo, lãnh đạo của hãng cho hay giá vé rẻ nhất trên đường bay Hà Nội - Côn Đảo sẽ ở mức 1,6 triệu đồng/chiều bay, đã bao gồm thuế phí. Thời lượng mỗi chuyến bay sẽ là 2 giờ 20 phút.
Mức giá mà Bamboo Airways đưa ra đang rất cạnh tranh so với giá mà liên danh Vietnam Airlines và VASCO niêm yết. Giá vé mà Vietnam Airlines đưa ra cho chặng bay khứ hồi Hà Nội - Côn Đảo là khoảng 5 triệu đồng, bao gồm một điểm dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất với thời gian chờ chuyến bay khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
Tại điểm dừng, hành khách sẽ đổi sang máy bay ATR72 của VASCO để tiếp tục hành trình từ TP.HCM đi Côn Đảo. Tổng thời lượng di chuyển từ Hà Nội tới Côn Đảo hoặc ngược lại thường vào khoảng 4 giờ 30 phút.
Việc sử dụng phản lực khu vực Embraer 195 cũng mang lại ưu thế cạnh tranh cho Bamboo Airways về trải nghiệm của hành khách. Lãnh đạo hãng cũng khẳng định đây là lần đầu tiên có một hãng hàng không khai thác ghế hạng thương gia bay thẳng tới Côn Đảo.
Dù được cấu hình 118 ghế nhưng theo lãnh đạo hãng, để chiếc Embraer 195 đạt chuẩn hạ cánh tại sân bay Côn Đảo, hãng sẽ chỉ chuyên chở khoảng hơn 100 hành khách mỗi chuyến bay để đảm bảo trọng tải.
Về giá vé, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc của Bamboo Airways, cho biết hãng sẽ áp dụng giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng hành khách và được điều tiết theo cung cầu cũng như quy định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên ông cũng khẳng định tự tin vào tính cạnh tranh của giá vé mà hãng sẽ đưa ra.
Cạnh tranh bay Côn Đảo nóng lên
Năm 2019, Côn Đảo đón gần 400.000 lượt khách du lịch, tăng 37% so với năm 2018. Sau giai đoạn cách ly xã hội vào đầu năm 2020, số liệu cho thấy tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP.HCM/Cần Thơ đến/đi Côn Đảo thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất khi đạt lên tới 22-27 chuyến/ngày.
Từ chỗ là sân chơi riêng của VASCO và Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác cũng đang quan tâm đường bay Côn Đảo và tính thuê loại máy bay phù hợp để khai thác.
Việc Bamboo Airways biên chế phản lực khu vực Embraer 195 để khai thác bay thẳng Côn Đảo đang khiến cạnh tranh trên đường bay này nóng lên. (Ảnh: BAV)
Theo quy hoạch tới năm 2025, đường băng của sân bay Côn Đảo sẽ được xây mới với chiều dài 2.400 m, đón được các dòng máy bay cỡ Airbus A320 hoặc Boeing 737 trở lên. Hiện đường bay này chỉ dài 1.830 m, đồng nghĩa bất kỳ hãng bay nào ngoài VASCO nếu muốn khai thác bay Côn Đảo phải biên chế dòng máy bay mới phù hợp.
Ngay từ 2020, cuộc đua mở đường bay tới Côn Đảo đã nóng khi Cục Hàng không cùng các hãng bay thử nghiệm khai thác máy bay A319 tại Côn Đảo.
Cuối tháng 5, lãnh đạo Cục Hàng không đã khẳng định với đường bay Côn Đảo, Chính phủ không hạn chế cũng không ưu ái cho một doanh nghiệp, một hãng hàng không nào. Vị này cũng cho hay việc chỉ một hãng khai thác đường bay Côn Đảo hiện nay là do định hướng sử dụng đội máy bay của các hãng hàng không.
Khẳng định trên báo hiệu thế độc quyền của VASCO với đường bay Côn Đảo là không có gì đảm bảo. Trong khi VASCO có lợi thế về kinh nghiệm hàng chục năm khai thác đường bay Côn Đảo cùng đội bay 5 chiếc ATR72 thì Bamboo Airways đã có kế hoạch cạnh tranh thị phần bằng giá vé, thời gian bay cùng trải nghiệm bay của phản lực khu vực.
Tập đoàn FLC, công ty mẹ của Bamboo Airways, cũng đã gửi đề nghị tới các bên liên quan để tài trợ lắp đặt hệ thống đèn đêm tại cảng hàng không Côn Đảo, tạo điều kiện cho sân bay có thể khai thác các chuyến bay đêm đến/đi Côn Đảo, từ đó nâng công suất khai thác. Đây là động thái cho thấy quyết tâm của FLC và Bamboo Airways tại đây.
Vietjet Air cuối năm 2018 cũng đã khẳng định tham vọng với đường bay Côn Đảo khi sẵn sàng khai thác mẫu A319 nếu phù hợp điều kiện kỹ thuật. Thời điểm đó, hãng dự kiến mở các đường bay giữa TP.HCM/Hà Nội và Côn Đảo với tần suất 4-6 chuyến/ngày.
Theo VTC News
https://vtc.vn/hang-khong-dua-mo-duong-bay-con-dao-gia-ve-giam-manh-ar568954.html