Bộ Công Thương nhận được hàng loạt câu hỏi "nóng" liên quan đến giá điện. Trong đó, vấn đề giá điện sinh hoạt, việc tăng/giảm giá điện cũng được đưa ra "mổ xẻ".
Chờ giá điện tăng/giảm theo thị trường
“Liệu khi vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giá điện có giảm không?” là câu hỏi của một Đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Theo Bộ trưởng Công Thương, việc đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành sẽ bỏ vai trò độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện, đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để phát triển tiếp lên cấp độ thị trường bán lẻ điện, đưa cơ chế cạnh tranh vào tất cả các khâu của ngành điện.
“Với việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, hoàn thiện các cơ chế của thị trường điện và chính sách, hoàn chỉnh các chính sách và cơ chế điều hành giá điện, giá bán lẻ điện có thể sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm do thị trường quyết định như tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị”, lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thực hiện cơ chế thị trường để có cạnh tranh thì mới có điều kiện hạ giá thành giá bán điện, mới có nguồn lực để đầu tư về điện. Thiếu điện thì người cung cấp cũng khốn khổ mà người thụ hưởng càng khốn khổ hơn.
“Có thể nói rằng, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Vì sao giá điện sản xuất thấp hơn điện sinh hoạt?
Một trong những vấn đề liên quan đến giá điện được các đại biểu đặt ra là việc bù chéo giữa điện sản xuất với giá điện sinh hoạt. Giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt, dẫn đến nhiều nhà đầu tư lợi dụng điện giá rẻ để đưa các công nghệ tiêu tốn điện năng vào sản xuất.
Bộ Công Thương cho biết: Hiện biểu giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương. Theo đó, điện sản xuất chiếm 59,1% sản lượng tương ứng giá bình quân là 1.684 đồng/kWh; Kinh doanh chiếm 6,6% sản lượng tương ứng giá bình quân là 2.809 đồng/kWh; Hành chính sự nghiệp chiếm 3,8% tương ứng giá bình quân là 1.845 đồng/kWh; Sinh hoạt chiếm 28,04% tương ứng giá bình quân sinh hoạt là 2.056 đồng/kWh.
Giá điện sản xuất thấp hơn điện sinh hoạt
Về việc giá điện cho nhóm ngành sản xuất thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải thích: Nhiều khách hàng trong ngành sản xuất mua điện ở cấp trung áp hoặc cao áp có giá điện thấp hơn giá điện ở cấp hạ áp do khách hàng phải đầu tư đường dây và trạm biến áp riêng. Trong khi khách hàng sinh hoạt và phần lớn khách hàng kinh doanh, hành chính sự nghiệp mua điện ở cấp hạ áp 0,4kV, ngành điện đầu tư đường dây và trạm biến áp đến tận cấp điện áp 0,4kV. Một lý do nữa là nhiều khách hàng sản xuất thường làm việc 3 ca, một phần điện năng tiêu thụ sử dụng trong các giờ thấp điểm khi giá điện thấp.
Theo Bộ Công Thương, với tốc độ tăng trưởng điện hàng năm cho sản xuất liên tục ở mức độ cao hàng năm từ 10-13% và tăng trưởng GDP trong 10 năm qua cho thấy cơ chế giá điện cho các khách hàng sản xuất đã phát huy tác dụng trong việc khuyến khích phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho hay sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo đúng tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, thực hiện chính sách giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng theo cơ chế thị trường, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Tiếp tục cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt
Một vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến liên quan đến việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đảm bảo phù hợp với thực tế mức tiêu dùng điện của người dân. Có Đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi: Mục tiêu của việc sửa đổi biểu giá điện lần này là gì? Phương án hiện nay đã đạt được mục tiêu chưa? Tại sao Bộ Công Thương lại rút lại phương án điện một giá?
Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và gửi xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đề xuất lấy ý kiến gồm: Phương án 5 bậc thang; Phương án 5 bậc thang và cho khách hàng lựa chọn 1 giá áp dụng song song.
“Dự thảo các phương án giá điện đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan truyền thông, các chuyên gia và các khách hàng sử dụng dụng điện. Trong đó, phương án giá điện 1 giá mặc dù có ưu điểm dễ tính toán và cho khách hàng thêm lựa chọn nhưng hạn chế là không khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Do vậy, Bộ Công Thương đã rút phương án giá điện một giá để Bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện”, lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.
Bộ đang tiếp tục xin ý kiến Phương án giá điện sinh hoạt 5 bậc thang. Phương án này nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế mức tiêu dùng điện của người dân hiện nay, đồng thời đáp ứng mục tiêu đơn giản hơn so với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành; không làm tăng chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/canh-tranh-xoa-bo-doc-quyen-gia-dien-tang-giam-theo-thi-truong-672190.html