Sau vụ pate chay Minh Chay, lo sợ đồ hộp chay nhiễm khuẩn, nhiều người dân tại TPHCM chuyển qua chọn đồ chay thủ công, bất chấp sản phẩm không nhãn mác.
Đồ chay ế ẩm sau vụ pate chay nhiễm khuẩn
Ðồ hộp ế khách
Đồ chay đóng hộp được bày bán nhiều trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM, tuy nhiên, theo ghi nhận trong ngày 2/9 (rằm tháng 7), lượng người đến mua không đông. “Nghe thông tin ăn pate chay đóng hộp bị liệt cơ, tôi chuyển qua ăn đồ chay nấu sẵn làm từ đậu hũ, mì căn… dùng trong ngày, chứ không còn mua thực phẩm chay làm kiểu công nghiệp nữa”, chị Thu Hương (Q.6) nói.
Tại một số chợ như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bàn Cờ (Q.3)…, tiểu thương bày đủ loại đồ chay từ loại đã sơ chế đến thành phẩm, đặt trên chiếc bàn kê gần giữa đường để thuận tiện cho người mua. Nhiều thực phẩm như đậu hũ, chả giò, chả cá chay không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nguồn gốc, chỉ được đóng gói, bảo quản sơ sài bằng bao nilon, mặc cho nắng gió, bụi bẩn...
Hỏi người bán ngày sản xuất, cách sử dụng, bà Minh (tiểu thương chợ Bà Chiểu) trả lời ngắn gọn: “Hàng mới làm, sử dụng trong ngày. Chỉ cần tháo bao bịch áo nilon chứa thực phẩm là chế biến theo ý như luộc, xào, chiên, kho… Tất cả làm từ mì căn, bột mì pha trộn lại thôi nên cứ yên tâm”. Một số tiểu thương cho biết, họ có đồ chay đóng hộp như chao, pate, đậu tương, xúc xích, chà bông… nhưng mấy ngày gần đây, khách đều không chọn mà chỉ mua nấm, mì căn, đậu hũ; sức mua cũng giảm hơn một nửa.
Bất cập quản lý
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về tình trạng cấp phép, quản lý thực phẩm hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trước khi công bố sản phẩm phải trải qua trình tự thủ tục đăng ký bản hợp quy. Trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
“Một số cơ sở sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hồ sơ nhiên liệu, phụ gia thực phẩm, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Việc pate chay có chứa độc tố của một doanh nghiệp tại Hà Nội vừa qua có thể do việc kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ quan chưa được kĩ lưỡng hoặc sau khi kiểm tra tại cơ sở sản xuất thì quy trình mới có vấn đề, việc này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xác minh, làm rõ vấn đề”, ông Hậu nói.
Theo TS Phan Thế Đồng, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng Trường ĐH Hoa Sen, do thực phẩm chay được chế biến từ nhiều nguyên liệu nên rủi ro nhiễm khuẩn cao hơn so với thực phẩm mặn có ít thành phần nguyên liệu. Thực phẩm thường được đóng trong hộp kim loại (thiếc), miếng ghép chắc hơn, tiệt trùng tốt hơn, dễ hơn so với tiệt trùng thực phẩm đóng trong hộp làm bằng nguyên liệu khác.
Các loại thực phẩm đóng gói, hút chân không bắt buộc phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 4 độ C, nếu trữ ở nhiệt độ bình thường thì rủi ro nhiễm khuẩn botulinum cao. Đối với thực phẩm không đóng hộp thì ít rủi ro nhiễm khuẩn botulinum gây tử vong hơn so với thực phẩm đóng hộp, nhưng lại có nguy cơ nhiễm những vi khuẩn khác gây đau bụng, nôn ói nếu sản xuất, chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo TS Đồng, sản phẩm trong nước thường bị thả nổi, không được kiểm soát chặt. Thông thường, nhà sản xuất tự phân tích mẫu, cung cấp bản phân tích cho nhà quản lý thanh kiểm tra. Nhưng sau khi sản phẩm được phân phối ra thị trường, thỉnh thoảng nhà quản lý mới lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên, nếu vi phạm so với nhà sản xuất kê khai, cam kết thì mới bị xử phạt, ông nói.
Liên quan vụ ngộ độc pate Minh Chay nhiễm khuẩn, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, nói: “Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm - nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay. Tôi nghĩ y bác sĩ chắc chắn sẽ lựa chọn yếu tố sức khỏe người dân lên hàng đầu”.
Theo Uyên Phương/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/kho-kiem-soat-thi-truong-do-chay-1715754.tpo