Không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ... chỉ cần là 3 chữ "đồ ăn handmade" là lập tức nhiều mặt hàng nghiễm nhiên có "vé thông hành" từ người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, đồ ăn handmade (đồ ăn tự làm thủ công - PV) trở thành một trong những sự lựa chọn ưu tiên của giới nội trợ. Hàng loạt các diễn đàn, hội nhóm được lập ra để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn công thức và thương mại hóa sản phẩm.
Đa phần, các đồ ăn handmade đều được thực hiện, chế biến theo công thức thủ công, truyền thống và ít sử dụng chất bảo quản, phụ gia. Nhờ thế mà thị trường sản xuất thực phẩm, đồ ăn handmade ngày càng phát triển và nở rộ.
Phong trào làm đồ ăn handmade nở rộ trong vài năm trở lại đây
Dạo một vòng quanh chợ mạng, các sản phẩm như pate, thịt muối, chà bông, bánh bao, bánh trung thu handmade được bán chạy hơn bao giờ hết. Điểm chung của các hàng hóa là ít ghi thời gian sản xuất, nhãn mác, giấy tờ đầy đủ. Bởi hầu hết, người tiêu dùng tin rằng đều là "đồ nhà làm ra" nên an tâm về chất lượng.
Không những thế, việc buôn bán trên mạng hiện khá dễ dàng khi các quán hàng online mọc lên như nấm. Người bán chỉ cần có số điện thoại, tài khoản mạng xã hội là có thể trở thành đại lý kinh doanh, phân phối sản phẩm bất kỳ.
Các mặt hàng chỉ cần có chữ handmade là dễ dàng lấy được "vé thông hành" từ người tiêu dùng
Đơn cử như chị Minh Thùy (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa rao bán 20 hộp pate tự làm với giá 180.000 đồng/kg. Theo quảng cáo, pate nhà chị được làm thủ công với các nguyên liệu như gan, sữa, bánh mì.
Do là đồ ăn tự làm nên sản phẩm chỉ được đóng vào hộp nhựa thông thường, không có nhãn mác, tên nguyên liệu sử dụng. Toàn bộ chất lượng, quy trình đều do người bán tự quảng cáo, cam kết mà không có bất cứ giấy tờ gì.
"Thực ra, nếu khách không cần, cũng chẳng đòi thì sao phải làm phức tạp. Với lại, đồ nhà tôi làm vừa bán vừa ăn thì chất lượng tất nhiên là đảm bảo" - chị lý giải.
Chị Thùy cho biết, ngày trước, chị vốn là nhân viên văn phòng, khi nghỉ thai sản rảnh rỗi quá mới học làm pate. Ban đầu, chị chỉ tính làm cho gia đình ăn, sau mọi người khen ngon thì mới mang đi bán. Nên với chị, việc bán đồ ăn handmade trên mạng là sự tin tưởng vô điều kiện của người bán và người mua, việc trên sản phẩm có thông tin hay không, không quan trọng.
Do là sản phẩm "nhà làm" nên người tiêu dùng khá thoáng về việc kiểm tra chất lượng
Cũng chính bởi sự dễ dàng của người tiêu dùng mà nhiều gian thương đã trà trộn, phù phép nhiều sản phẩm kém chất lượng thành đồ handmade để lừa gạt người tiêu dùng.
Bằng chứng mới đây là chị Vũ Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) mua phải 0,5kg ruốc ẩm mốc, kém chất lượng từ một gian hàng trên chợ mạng được quảng cáo là ruốc handmade nhà làm. Khi nhận được sản phẩm, chị Yến mới tá hỏa khi thấy chất lượng khác xa với sự kỳ vọng, nhưng khi chị có ý kiến thì người bán lập tức quay lưng, không nhận trách nhiệm và chặn tài khoản trên mạng xã hội.
"Do là mua trên mạng nên tôi cũng không biết kêu ai, với lại đồ ăn handmade thì người ta nói thế nào mình biết vậy. Chứ không phải mua qua siêu thị, công ty mà có thể khiếu nại được. Giờ chỉ có cách là sau gặp người như thế thì tránh ra, không mua nữa" - chị than thở.
Chị Yến cho biết thêm, đây không là phải lần đầu chị gặp trường hợp như vậy. Mua bán qua mạng, không chứng từ thì rất khó để đổi trả nên phương án tối ưu là sau muốn mua đồ nhà làm thì tìm chỗ thân quen, uy tín.
Theo An Chi/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/su-that-ve-do-an-nhieu-khong-ban-tran-lan-tren-mang-20200831211131250.htm