Phương án giá điện 5 bậc thang mà Bộ Công Thương vừa đề xuất được nhìn nhận có nhiều cải tiến so với phương án 6 bậc hiện nay. Tuy nhiên theo các chuyên gia năng lượng, phương án này vẫn chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.
EVN không được phép hưởng khoản thu lớn hơn tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tính theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Ảnh: Hải Nguyễn
EVN đang có lãi với giá điện bình quân
Theo các quy định hiện nay của Chính phủ, giá điện bình quân là giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện, trong đó giá điện bình quân được tính để đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chỉ tiêu tài chính để đảm hoạt động bình thường và có lãi để bảo đảm tái đầu tư và phúc lợi. Do đó giá điện bình quân sẽ không cố định hằng năm, thậm chí hàng quý mà được điều chỉnh lên xuống phù hợp khi các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá và cơ cấu nguồn điện thay đổi.
Chính vì vậy theo chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm, giá điện bình quân là yếu tố quan trọng nhất để tính doanh thu cho ngành điện và theo đó, giá của các nhóm khách hàng có thể tính khác nhau nhưng cuối cùng giá điện bình quân không được thay đổi.
Trong khi đó khác với những năm trước đây khi giá điện bình quân chỉ được xác định trên cơ sở tính đủ các yếu tố đầu vào như khấu hao, nguyên nhiên - vật liệu, lương thưởng, chi phí mua ngoài, sửa chữa lớn hay các chi phí tài chính khác...
Với phương pháp tính như trên, giá điện bình quân hiện được tính ở mức 1.864,44 đồng/kWh và mức giá này được thiết kế nhằm đảm bảo cho ngành điện có lãi. Thực tế là với việc giá điện bình quân tăng thêm 8,31%, từ mức 1.731 đồng lên 1.864,44 đồng/kWh, các báo cáo tài chính cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt mức lãi cả năm 950 tỉ đồng trong năm 2019. Chưa kể ngay từ năm 2018 với giá điện chỉ 1.731 đồng/kWh, ngành điện cũng có được mức lãi 4 đồng/kWh và theo TS Ngô Đức Lâm, đây là yếu tố giúp ngành điện vượt kế hoạch lãi trong cả năm 2018.
Phương án 5 bậc có thể dẫn đến lạm thu
Với các quy định hiện nay, trong bất kỳ phương án nào, giá điện sinh hoạt lũy tiến nhiều bậc phải đảm bảo được nguyên tắc người nghèo được hưởng chính chính ưu đãi hỗ trợ giá từ nhà nước và tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân.
Theo Cục trưởng Cục Ðiều tiết Ðiện lực (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Anh Tuấn, việc cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang không phải là điều chỉnh giá điện mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay của các đối tượng khách hàng.
Do đó khi xây dựng các phướng án giá điện, Bộ Công Thương đều tính toán giảm số bậc thang so với quy định hiện hành.
Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc và 4 bậc có nhược điểm chung là các khách hàng sử dụng điện ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít hơn.
Cụ thể, với 3 phương án này, khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng (chiếm tỉ lệ 87% tổng số khách hàng) sẽ bị thiệt, đồng thời ngân sách ngân sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách lại tăng lên. Chính vì vậy, phương án 5 bậc được đưa ra nhằm khắc phục được điểm nêu trên và theo đó hơn 20 triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh tháng đều được lợi khi số tiền điện phải trả thấp hơn.
“Việc áp dụng giá 5 bậc, có cái tiến hơn lũy kế 6 bậc song chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi” - chưa kể theo TS Ngô Đức Lâm - Nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), việc chưa chứng minh được tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân theo đó chứa đựng nhiều khả năng là có lạm thu.
Chuyên gia kinh tế, PGS -TS Đinh Trọng Thịnh: EVN không được phép hưởng khoản thu lớn hơn tổng sản lượng tiêu thụ Việc phân chia theo bậc thang để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện có thể coi là một việc làm cần thiết trong điều kiện người dân ngày càng có thu nhập cao hơn, có nhiều nhu cầu sử dụng điện hơn và có nhiều máy móc thiết bị sử dụng điện hơn trong khi sản xuất điện không tăng trưởng kịp. Về nguyên tắc bù chéo giữa các nhóm tiêu dùng ở các bậc thang, tổng doanh thu bán điện của EVN theo các bậc thang phải bằng giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định nhân tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt của người dùng. EVN không được phép hưởng khoản thu lớn hơn tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tính theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Tuy nhiên, với mức quy định như trong biểu hiện nay chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4, thứ 5 rất cao. Bộ Công Thương cũng cần giải thích tại sao lại đưa ra các con số này. Điều này làm cho giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng, sản lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian vừa qua. Cao Nguyên ghi |
Theo Văn Nguyễn/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/phuong-an-gia-dien-5-bac-phai-dam-bao-gia-dien-binh-quan-khong-doi-831119.ldo