Tăng điên cuồng lên 62,4 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC sáng nay (8/8) đã "lao dốc không phanh". Tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện chỉ còn 59,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Phiên giao dịch sáng nay 8/8, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng niêm yết ở mức 59,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,4 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Các mức giá này giảm chiều mua vào 150.000 đồng/lượng còn giảm chiều bán ra 1,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp giao dịch ở mức 59,8 triệu đồng/lượng - 61,7 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 950.000 đồng/lượng và 700.000 đồng/lượng.
Biên độ mua - bán ra vẫn được doanh nghiệp tại TPHCM giữ ở mức cao, gần 2 triệu đồng mỗi lượng, còn tại Hà Nội để chênh gần 1 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng "lao dốc không phanh", dân ôm vàng lỗ nặng (ảnh: Sơn Tùng)
Chốt phiên giao dịch hôm qua 7/8, giá vàng SJC tại TPHCM được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 60,75 triệu đồng/lượng (mua vào) - 62,4 triệu đồng/lượng (bán ra); giá vàng SJC tại Hà Nội chốt phiên ở mức 59,75 triệu đồng/lượng - 61,9 triệu đồng/lượng.
Phiên giao dịch hôm qua, giá vàng đã đạt mức tăng cao nhất trong lịch sử mặt hàng này: 62,4 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC đã nới rộng khoảng cách chênh lệch với giá thế giới khi cao hơn trên 4 triệu đồng mỗi lượng.
Theo lý giải của một số chuyên gia và doanh nghiệp vàng, sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới bởi thị trường thiếu nguồn cung. Nhiều khách hàng lúc vàng lên mức trên 50 triệu đồng/lượng cho rằng là đỉnh nên đã bán ra để chốt lời, nhưng sau đó thấy "bão" giá vàng không ngừng tăng lại đẩy mạnh mua vào. Doanh nghiệp không đủ nguồn lực bán ra nên niêm yết giá cao.
Tuy nhiên, theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước, "không có chuyện thiếu nguồn cung vàng miếng". Hiện cơ quan này đã cho phép gia công vàng móp méo làm vàng miếng theo đề nghị của Công ty Vàng bạc đá quý SJC.
Trên thực tế, khi giá vàng tăng dựng đứng, đạt mốc cao nhất trong lịch sử, việc tăng cường giao dịch, nhất là mua vào thì rủi ro lại thuộc về người mua. Bởi chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra của thị trường trong nước luôn được doanh nghiệp nới rộng tới 2 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Vậy nên giới chuyên gia khuyên người dân nên tính toán kỹ khi lao vào đầu tư vàng khi thời điểm giá vàng tăng sốc.
Trên thế giới, giá vàng giảm gần 30 USD/ounce sau khi đã tăng lên sát mốc 2.100 USD/ounce, tuy nhiên theo dự báo, mặt hàng này sẽ tiếp tục vững ở mức cao.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com lùi về mức 2.034 USD/ounce, tức giảm khoảng 30 USD/ounce.
Trong phiên, giá vàng có thời điểm giảm về ngưỡng 2.015 USD/ounce. Giá vàng tương lai cũng giảm 2% về 2.028 USD/ounce.
Như vậy, giá vàng đã lao dốc đi xuống sau chuỗi ngày tăng giá kỷ lục, có thời điểm còn tăng lên sát mốc 2.100 USD/ounce. Giá vàng tạm dừng đà tăng giá kỷ lục do đồng USD tăng trở lại sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm các giao dịch của Mỹ với TikTok và WeChat.
Theo An Hạ/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-dien-cuong-vot-qua-62-trieu-dongluong-roi-lao-doc-khong-phanh-20200808092142999.htm