Ngày 30/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam tổ chức buổi hội thảo tập huấn với chủ đề “Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản – Hành động tiếp cận EVFTA”.
Phân loại, đóng hộp quả thanh long ruột đỏ phục vụ xuất khẩu. Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN
Sự kiện thu hút một số lãnh đạo ngành công thương, ngành nông nghiệp, đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay, theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp định SPS quy định áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong thương mại quốc tế.
Mức độ và sự khác biệt trong việc áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mỗi quốc gia dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế và xã hội. Các quốc gia được phép áp dụng bất cứ biện pháp nào để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe con người, động vật, thực vật trên lãnh thổ của mình khỏi nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Các loài dịch hại trên động thực vật, các chất gây ô nhiễm, chất độc hoặc sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm và đồ uống, thức ăn chăn nuôi nguồn gốc động vật và thực vật cũng như các sản phẩm của chúng và các loài sinh vật ngoại lai.
Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… hay các FTA với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, Cuba… đều có các điều khoản quy định việc thực thi SPS.
Theo đó, bao gồm các cơ chế giải quyết những vấn đề về kỹ thuật, việc duy trì thị trường xuất khẩu và mở cửa thị trường xuất khẩu cho nhiều sản phẩm, mặt hàng hay ký kết các thảo thuận công nhận lẫn nhau và hài hòa lợi ích trong thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác.
Riêng với Hiệp định EVFTA, ông Hòa cũng giới thiệu một số cam kết cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam và thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu. Đồng thời, cam kết mở cửa thị trường và những chỉ báo về việc mất an toàn thực phẩm rau quả xuất khẩu vào EU sẽ được quy định ở những dạng thức nào và phải đối mặt với những rủi ro, hình phạt nào khi bị phát hiện.
Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập tới những thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
Đó là những rào cản về quy định xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gồm chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng… hay những vấn đề về thương mại công bằng, sản xuất bền vững cùng các thủ tục, điều kiện nhập khẩu vào EU. Đa phần hoạt động sản xuất tại Việt Nam thường thiên về nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; người sản xuất thường không có thói quen ghi chép, truy xuất nguồn gốc… Vì thế, tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU.
Trước những vấn đề còn hạn chế của các ngành hàng xuất khẩu sang EU, ông Quảng cho rằng các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ Hiệp định EVFTA để tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu. Cùng với đó, nên tăng đầu tư cho chế biến, nhất là chế biến sâu và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Ngoài ra, cần tiến tới sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn EU hoặc các tiêu chuẩn quốc tế khác được thị trường EU thừa nhận. Cùng đồng tình, ông Hòa bổ sung thêm, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất và chế biến.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng vùng trồng hay hợp tác với nông dân để xây dựng các khu vực sản xuất đảm bảo yêu cầu cao về an toàn thực phẩm; có kế hoạch giám sát các mối nguy trong toàn bộ quá trình sản xuất; đặc biệt là mối nguy ô nhiễm vi sinh vật và thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trồng trọt, tương tự như kế hoạch HACCP trong chế biến thực phẩm. Ngoài ra, phải áp dụng các quy trình sản xuất tốt GAP, GApP, GAHP… các quy trình chứng nhận theo yêu cầu của thị trường như GlobalGAP hay thực hành vệ sinh tốt trong quá trình thu hoạch, bao gói và chế biến thực phẩm. Cơ bản, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm và tham gia tích cực vào việc xây dựng kênh trao đổi thông tin an toàn thực phẩm giữa cơ quản quản lý, nhà sản xuất, xuất khẩu.
Theo Thạch Huê (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nong-san-tiep-can-hiep-dinh-evfta-20200730133818770.htm