Bên cạnh lợi thế, những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt khi "vươn ra biển lớn" cũng không hề nhỏ.
Dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Thứ nhất, các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều có yêu cầu cao, khó tính về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy tắc về quy trình sản xuất cũng như xuất xứ.
Theo Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công, EU là một thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới. Các yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường… của EU rất khắt khe và các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam không dễ đáp ứng. Đối với nhóm sản phẩm rau củ quả, sản phẩm xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an thực phẩm cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận đang áp dụng rộng rãi tại EU như Global Gap... EU có xu hướng yêu cầu đạt nhiều loại tiêu chuẩn như hữu cơ, fair-trade, 4C, Rainforest Allinace, BRC...
Ngoài ra, EU liên tục mở rộng danh mục cấm sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có những loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng cho cây trồng nhiệt đới và không sử dụng đối với cây trồng ôn đới tại EU, nhưng vẫn bị cấm sử dụng. Các quy định này tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật mới, cản trở tiếp cận thị trường do thay đổi các loại thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng chi phí sản xuất, xuất khẩu... Ví dụ như gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với hàng thực phẩm nhập vào EU từ nước thứ ba, trong đó EU yêu cầu Việt Nam kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với 100% thanh long xuất khẩu sang EU (thay vì chỉ 10% như trước đây) và quy định mỗi lô thanh long xuất khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Vì vậy, để đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi cách làm việc, không thể tiếp tục thu mua nguyên liệu nông sản mà không quan tâm đến khả năng truy được nguồn gốc. Các doanh nghiệp phải hiểu và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ, kiểm soát ngay tại đồng ruộng, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường...
Tương tự, các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Mỹ rất nghiêm ngặt, trong khi thủ tục đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu không hề đơn giản, nếu không muốn nói là rất phức tạp. Australia cũng là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu với nhiều quy định về bảo đảm an toàn sinh học, kiểm dịch ngặt nghèo và các tiêu chuẩn khắt khe.
Khó khăn thứ hai là phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ xuất khẩu khác có cùng cơ cấu hàng hóa trên cả yếu tố giá cả và thương hiệu.
Singapore là một ví dụ điển hình. Dù là một đảo quốc nhỏ với dân số chưa đến 6 triệu người, Singapore lại là nước có đối tác nhập khẩu đa dạng bậc nhất thế giới với 220 đối tác, riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, Singapore có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác này là để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung trước mọi nguy cơ đứt gãy. Các đối tác xuất khẩu hoa quả, nông sản chính của Singapore hiện nay là Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Australia. Có thể nói, năng lực cạnh tranh để đối phó với mạng lưới đối tác cung cấp đa dạng như vậy chính là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Mỹ, thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, nông sản Việt Nam cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ từ Đông Nam Á, Nam Á hay Nam Mỹ vốn đã thâm nhập thị trường này từ nhiều năm trước. Sức ép cạnh tranh buộc sản phẩm phải có chất lượng tốt hơn, cảm quan đẹp hơn, hương vị đặc trưng, bao gói phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nhanh, tiện lợi.
Thách thức thứ ba là sự thiếu linh hoạt của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Trần Thu Quỳnh, tháng 3 vừa qua, khi tâm lý tiêu dùng của Singapore bị khủng hoảng, người dân nước này mua sắm vơ vét làm cạn kiệt hàng tại các siêu thị, Chính phủ Singapore đã phải áp đặt hạn mức mua hàng và phải tham gia vào việc đấu thầu mua sắm để đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm thiết yếu cho người dân như gạo, mì gói, rau, củ, trái cây, cà phê… Mặc dù Thương vụ rất nỗ lực kết nối, giới thiệu các đơn hàng, tuy nhiên, số lượng đơn hàng trúng thầu chưa được cao vì phía Singapore phản ánh hoặc là mức giá các doanh nghiệp Việt Nam chào quá cao, hoặc là khả năng cung cấp không đủ.
Bên cạnh đó, sự thiếu linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam cũng thể hiện ở việc thiếu tầm nhìn chiến lược. Khi thế giới đứt gãy nguồn cung, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Thái Lan, Trung Quốc đã chuẩn bị ngay chiến lược phát triển thị trường bằng việc giảm giá mạnh mẽ các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn và đẩy mạnh các hình thức marketing (tặng sản phẩm khi mua gạo Thái, đăng nguyên trang báo Straits Times để quảng cáo gạo Thái…). Trong khi đó, sự thiếu linh hoạt, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh về giá thấp đang là nguy cơ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thâm nhập thị trường Singapore một cách bền vững.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khách quan khác tác động hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Ví dụ, việc xuất khẩu hàng hóa vào Australia nói chung, nông sản nói riêng thời gian gần đây gặp nhiều thách thức do tỷ giá đồng nội tệ duy trì ở mức thấp làm cho hàng hoá nhập khẩu đắt hơn. Nền kinh tế tăng trưởng chậm cũng ảnh hưởng đến nhập khẩu và tiêu dùng của người dân.
Cũng phải kể đến khoảng cách địa lý quá xa đòi hỏi đầu tư nhiều cho khâu bảo quản, trong khi chi phí vận chuyển tăng, đặc biệt với nhóm hàng có thời vụ ngắn và cần tiêu thụ tươi như các loại quả. Theo Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn, đây là nguyên nhân khiến cho đến nay mới chỉ có 6 loại quả tươi được phép chính thức nhập khẩu vào Mỹ, trong khi Việt Nam có nhiều loại quả có thể đáp ứng nhu cầu thị trường này như bưởi, chanh leo hay quả bơ. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của thị trường suy giảm do dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động nặng nề tới các nước mới xâm nhập thị trường, chưa củng cố được thương hiệu cũng như xây dựng được mạng lưới phân phối.
Vấn đề mẫu mã sản phẩm cũng là một yếu tố cần tính tới. Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động nhập khẩu, quảng bá, phân phối và tiêu thụ các loại hoa quả tươi từ Việt Nam ở thành phố Melbourne, người tiêu dùng bản địa có rất nhiều lựa chọn, họ không chỉ quan tâm đến chất lượng bên trong mà còn coi trọng cả hình thức bên ngoài của sản phẩm. Để hoa quả Việt Nam đến được với nhiều người tiêu dùng Australia hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo quản tiên tiến để làm sao giữ cho hoa qua vẫn có vẻ ngoài đẹp, tươi ngon trong thời gian bày bán tại siêu thị.
Những thách thức đặt ra cho thấy nếu muốn thâm nhập một cách bền vững vào các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nhận diện rõ những yêu cầu đặc trưng của từng địa bàn, từ đó có chính sách phù hợp để chinh phục các thị trường tiềm năng.
Theo Nguyễn Thúy - Kim Chung - Linh Hương - Nguyễn Minh - Đặng Huyền (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/xuat-khau-nong-san-viet-bai-3-nhan-dien-thach-thuc-20200721185527760.htm