Các chuyên gia cho rằng người dân nếu có mua vàng thì không nên “'lướt sóng' mà hãy mua đầu tư, tích lũy trong thời gian dài, ít nhất từ 3 đến 6 tháng trở lên.
Giao dịch vàng tại Bảo Tín Minh Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giá vàng miếng trong nước đang có phiên tăng đột biến do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, hiện một số doanh nghiệp trong nước đang giao dịch quanh ngưỡng 53 triệu/lượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần phải có sự tính toán chặt chẽ về tỷ lệ lợi nhuận có thể xảy ra khi mua và bán, đặc biệt không nên đầu tư một cách vội vã mà phải theo dõi thị trường.
Không có cảnh đổ xô mua, bán vàng
Giá vàng trong nước đã liên tục đi lên trong tuần qua. Nếu như ngày 11/7, cả hai thương hiệu này chỉ giao dịch quanh mức giá 51 triệu đồng/lượng thì đến hôm nay, cả vàng SJC và Rồng Thăng Long đều tiến sát mốc 53 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ năm 2011.
Thậm chí, vàng SJC ở một số ngân hàng như VietinBank bán ra ở mức 53 triệu đồng/lượng, MSB bán ra ở mức 53,15 triệu đồng.
Dù vậy, theo ghi nhận từ thị trường, khách mua bán không có đột biến, chủ yếu người dân đến mua vàng trang sức do có nhu cầu chứ không do tác động của giá vàng.
Chị Trần Thu Liên, quận Đống Đa cho biết do có ý định chọn mua dây chuyền trang sức để đi chơi nên chị không quan tâm đến giá lên hay xuống.
Còn anh Nguyễn Bá Thành ở Ba Đình (Hà Nội) từng là một nhà đầu tư vàng ở thời điểm những năm 2011-2013. Anh Thành cũng đã thành công nhiều vụ "lướt sóng" nhưng cũng đã gặp "quả đắng" ở lần giá vàng lên 46 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy, trong đợt tăng giá này anh đã không còn mặn mà với kim loại quý.
Tuy nhiên, một số người dân đã vay vàng để mua nhà, mua đất lại như đang ngồi trên đồng lửa. Chia sẻ với sự lo lắng này, bà Phạm Thanh Nga, quận Long Biên nói: “Cách đây 3 năm, tôi có vay 3 cây vàng của người quen để mua đất. Thời điểm đó, tôi bán được trên 100 triệu đồng, giờ giá vàng lên tới 53 triệu đồng/lượng nếu người quen đòi vàng ngay lúc này, tôi sẽ phải lo tới gần 160 triệu đồng đẻ trả nợ. Thực tình thì tôi cũng không biết phải xoay sở thế nào. Tôi đang phân vân có nên đi mua từng chỉ để tiết kiệm hay không bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến bất thường, vàng khó hạ.”
Trong khi ở khía cạnh doanh nghiệp, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý số 30 Trần Nhân Tông, Hà Nội cho biết công ty sẵn sàng mua vàng của các khách hàng với số lượng lớn, đầy đủ tiền mặt chi trả ngay.
Tương tự, nhân viên cửa hàng SJC trên phố Phan Đình Phùng và Thái Thịnh, Trần Nhân Tông cũng cho biết sẵn sàng mua vàng nếu khách đem vàng đến bán.
Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết: "Nếu như cuối tuần trước, tỷ lệ khách bán vàng chiếm 65% trên tổng số giao dịch thì phiên đầu tuần, lượng khách mua và bán vàng đều chiếm tỷ lệ như nhau là 50/50. Ở các cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu không xảy ra tình trạng khách đổ xô, xếp hàng mua hoặc bán vàng như nhiều năm trước."
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cũng cho hay thế giới càng bất ổn thì giá vàng càng tăng. "Giá vàng đạt đỉnh mốc 53 triệu đồng/lượng nhưng nhìn chung người dân không đổ xô đi mua, bán vàng là nhờ triển khai thành công các giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/ND-CP và các Thông tư hướng dẫn giúp thị trường vàng trong nước tiếp tục tự điều tiết, ông Hải nói.
Cách đây 7 năm trở về trước, bất kỳ một động thái nào của thị trường vàng dù tăng, dù giảm thì cũng thu hút sự chú ý của người dân, dẫn đến cảnh xếp hàng tranh mua tranh bán. Tuy nhiên, hiện nay giá vàng đã lập đỉnh nhưng thị thị trường vàng vẫn diễn ra bình thường.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo
Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng cao là do giá vàng thế giới 2 phiên gần đây đã tăng theo hướng "dựng đứng".
Tại phiên đầu tuần 20/7, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.810 USD/ounce, nhưng đến sáng ngày hôm nay (tính theo giờ Việt Nam), giá vàng đã được đẩy lên 1.859 USD/oune, tăng tới 49 USD/ounce.
Nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới sẽ sớm lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce hồi 2011 và có khả năng sẽ lên 2.000/ounce trong vòng vài tháng tới do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các nước.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, cung cầu thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, nhu cầu vàng không tăng cao, nguồn cung cũng tương đối dồi dào. Tuy nhiên, giá vàng bị đẩy lên là do tình hình thế giới.
Ông Hiếu phân tích: Một phần giá vàng tăng trong mấy ngày qua là do dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt tại một số nước như Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản… dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người thất nghiệp. Vì vậy, nhiều nước đã đưa một lượng tiền rất lớn vào lưu thông. Chính vì các biện pháp hỗ trợ kinh tế của các nước sẽ làm tăng lạm phát, đặc biệt làm giảm giá trị của đồng USD và đẩy giá vàng tăng lên.
Bên cạnh những vấn đề trên thì trên thế giới, cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng và nước Anh ra khỏi châu Âu cũng tác động nhiều đến khu vực kinh tế đồng Euro.
Mặc dù giá vàng mấy ngày qua tăng cao nhưng theo vị chuyên gia này sẽ không tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm này. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu giá vàng cứ tiếp tục tăng thì có thể sẽ làm tăng lạm phát lên vì một số mặt hàng cũng “té nước theo mưa” đẩy giá lên.
Do đó, theo ông Hiếu, người dân cần bình tĩnh khi đầu tư vào vàng, cần phải có sự tính toán chặt chẽ về tỷ lệ lợi nhuận có thể xảy ra khi mua và bán, đặc biệt không nên đầu tư một cách vội vã mà phải theo dõi thị trường.
Thực tế cũng đã chứng minh có lợi nhất trong những "cơn sốt" vàng không ai khác chính là giới kinh doanh vàng. Mỗi lần thị trường có biến động, các nhà kinh doanh vàng thường nới rộng khoảng cách giữa mua và bán để đảm bảo sự an toàn. Trong 2 ngày nay, chênh lệch giữa mua và bán được các nhà vàng nới rộng từ 700.000-800.000 đồng/lượng, trong khi ngày thường con số này vào khoảng 350.000-400.000 đồng/lượng.
Nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng có chung nhận định nguyên nhân chính cho việc tăng mạnh của giá vàng là do sự bất an của người dân quốc tế và trong nước đối với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới.
Dự báo về giá vàng trong quý 3, nhóm chuyên gia khẳng định giá vàng trong nước vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau đại dịch COVID-19.
Còn bà Luyến cũng cho rằng nếu trong thời gian tới, thế giới chưa nghiên cứu được vacxin phòng chống COVID-19, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên 1.900 USD/0unce và giá vàng trong nước có thể cán mốc 5,5-56 triệu đồng/lượng.
Bà Luyến cũng đưa ra lời khuyên với những người đang đầu cơ vào vàng nên cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra các quyết định giao dịch mua hoặc bán. Đặc biệt các nhà đầu tư phải theo dõi thị trường trong nước hàng ngày, hàng giờ để cập nhật tình hình thực tế để đưa ra quyết định.
"Hãy 'đầu tư' chứ không nên 'đầu cơ'. Người dân nếu có mua vàng thì không nên 'lướt sóng' mà hãy mua đầu tư, tích lũy trong thời gian dài, ít nhất từ 3 đến 6 tháng trở lên," bà Luyến nhấn mạnh./.
Theo Thúy Hà (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/gia-vang-trong-nuoc-tang-thang-dung-van-can-nhung-cai-dau-lanh/653082.vnp