Việc các hãng hàng không mở các đường bay mới giữa các địa phương đã tạo cơ hội đi lại thuận tiện hơn, đỡ tốn chi phí so với trước kia.
Các hãng hàng không liên tục mở thêm nhiều đường bay nội địa sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. (Ảnh: Hoàng Anh/Vietnam+)
Sau khi kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, trong khi chờ đường bay quốc tế, các hãng hàng không đã “ồ ạt” mở nhiều đường bay nội địa nhằm kích cầu du lịch đi lại thuận lợi cho hành khách.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu các đường bay này có phải “cứu cánh” giúp hãng hàng không duy trì “hơi thở, mạch máu” hay sẽ tiếp tục lỗ sau dịch COVID-19?
Một mũi tên có trúng nhiều đích?
Tính từ tháng 5/2020 khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, đến nay, Vietnam Airlines đã mở tổng cộng 22 đường bay, tập trung kết nối các địa phương với những điểm du lịch nổi tiếng, nâng mạng bay nội địa của hãng lên 61 đường với tần suất khai thác vào những ngày cao điểm lên tới gần 500 chuyến/ngày.
Trong số này, có nhiều đường bay của hãng nối các sân bay địa phương như Đà Lạt-Thanh Hoá, Cần Thơ-Đà Lạt, Hải Phòng-Cần Thơ, Vinh-Cần Thơ, Hải Phòng-Buôn Ma Thuột, Cần Thơ-Buôn Ma Thuột… Từ ngày 22/7, Vietnam Airlines tiếp tục mở thêm 2 đường bay mới kết nối thành phố Hải Phòng-Điện Biên, Đà Lạt-Phú Quốc và mở lại 2 đường bay Cần Thơ-Phú Quốc, Đà Nẵng-Vân Đồn.
Song song với việc tái khởi động mạng đường bay nội địa, hãng hàng không Bamboo Airways đang tích cực mở mới nhiều đường bay liên vùng phủ kín các thành phố, địa phương trong cả nước.
Một số đường bay mới vừa được Bamboo Airways đưa vào khai thác như như Thanh Hóa-Phú Quốc giá từ 399.000 đồng, Thanh Hóa-Quy Nhơn giá từ 199.000 đồng; đường bay Đà Nẵng-Đà Lạt giá vé từ 99.000 đồng, Đà Nẵng-Cần Thơ, Đà Nẵng-Vinh giá vé từ 49.000 đồng; đường bay Hải Phòng-Đà Nẵng giá từ 99.000 đồng; Hải Phòng-Đà Lạt giá từ 199.000 đồng bay từ ngày 24/7...
Trong tháng 8/2020, Bamboo Airways thiết lập đường bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ tới Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)bằng dòng máy bay phản lực hiện đại hơn 100 chỗ ngồi, kỳ vọng sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn di chuyển cho hành khách đến Côn Đảo - địa phương đang ghi nhận nhu cầu du lịch ngày càng cao.
Trước đó, hãng hàng không Vietjet cũng công bố cùng lúc mở 8 đường bay mới nối Hà Nội với Đồng Hới (Quảng Bình), Hải Phòng với Quy Nhơn (Bình Định), Vinh-Phú Quốc và thành phố biển Đà Nẵng với Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh, Thanh Hóa… nâng tổng số đường bay Vietjet khai thác tại Việt Nam lên 53 đường, phủ khắp đất nước.
[Thị trường du lịch nội địa tăng mạnh sau dịch COVID-19 nhờ hàng không]
Nhiều hành khách cho rằng việc các hãng hàng không mở các đường bay mới giữa các địa phương đã tạo cơ hội đi lại thuận tiện hơn, đỡ tốn chi phí so với trước kia phải đi về các sân bay lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mới có thể bay tới các tỉnh, thành khác.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, các đường bay này trước mắt giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc tận dụng được đội bay dư thừa trong khi chưa mở trở lại đường bay quốc tế (khoảng 40% tàu bay Vietnam Airlines vẫn đang nằm sân).
“Việc mở các đường bay trên giúp Vietnam Airlines chi trả chi phí biến đổi (nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn...) và giảm 500-600 tỷ đồng trong con số 2.100 tỷ đồng chi phí cố định mỗi tháng. Quan trọng hơn là mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Với chức năng hãng hàng không quốc gia, những chặng bay này cũng thực hiện chủ trương kích cầu du lịch của Chính phủ,” ông Thành nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng doanh thu đến từ thị trường nội địa hiện là nguồn thu chính của các hãng hàng không, đáp ứng yêu cầu về chi phí nhân công, chi phí hoạt động, thuê mua máy bay, các chi phí cố định khác…
“Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là lĩnh vực khơi thông, mở đường cho các lĩnh vực thương mại khác của nền kinh tế phục hồi thì nguồn thu quý báu của hàng không này là đòn bẩy cho đà phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế nói chung của Chính phủ,” ông Thắng khẳng định.
Nhìn nhận hãng cũng tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng hoàn chỉnh của công ty mẹ Tập đoàn FLC, để đưa ra những sản phẩm combo trọn gói gồm bay-nghỉ dưỡng-golf 5 sao trên thị trường, ông Thắng đánh giá các sản phẩm thẻ bay trọn gói, thẻ bay đa nhiệm bước đầu tạo được những cú hích mạnh mẽ trên thị trường hàng không. Ngoài ra, các hãng cũng có nhiều chương trình ưu đãi vé bay nhằm mang đến cho hành khách cơ hội di chuyển với mức giá tiết kiệm.
Dư địa còn rất nhiều
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong lĩnh vực hàng không, vận tải hàng không là lĩnh vực có mức độ rủi ro cao nhất, biên độ lợi nhuận thấp nhất. Dịch COVID-19 đã đẩy nhiều hãng hàng không đến bước đường cùng, thậm chí có hãng có trăm năm tuổi bị phá sản như Virgin Australia; hãng hàng không Thái Lan-Thai Airways, Avianca Holdings...
Theo ông Thắng, khi có lệnh nới lỏng giãn cách xã hội, trong một thời gian ngắn, các hãng đã khôi phục nhanh chóng và đều triển khai rầm rộ dịch vụ của mình. So với các quốc gia khác, Việt Nam có khả năng phục hồi sớm hơn bởi lý do thị trường nước ta đang giai đoạn phát triển.
“Dư địa ngành hàng không của chúng ta còn rất nhiều. Tính trung bình người Việt Nam đi 2 lần/năm thì hàng không có thể đón lượng khách là hơn 180.000 lượt. Nói vậy để thấy thị trường Việt tiềm năng rất lớn,” ông Thắng nói.
Dư địa ngành hàng không còn nhiều bởi tính trung bình người Việt Nam đi 2 lần/năm thì hàng không là con số tương đối ít so với các nước trên thế giới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Khi chưa có dịch, Cục Hàng không dự báo hàng không Việt Nam tiếp tục tăng 2 con số đến hết năm 2025. Sau khi có dịch COVID-19 và kiểm soát được dịch, dự đoán thị trường nội địa sẽ phục hồi khoảng giữa năm 2021, còn thị trường quốc tế sẽ vào tầm cuối 2021.
[Các hãng bay đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn]
Theo ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các đường bay nội địa được khai thác trở lại, thậm chí còn mở thêm rất nhiều đường bay mới. Điều này là rất tốt cho Việt Nam, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là chống dịch thật nhanh để phục hồi kinh tế sớm.
“Việc được bay nội địa trở lại, hết giãn cách xã hội cũng đã giúp hàng không có thể ‘nối’ được mạch sống của mình, tuy nhiên để có thể đạt đến điểm hoà vốn cũng còn khó khăn rất nhiều,” ông Thiên phân tích.
Nhìn nhận bản thân các hãng hàng không đã có bài học cho riêng mình, trong đó quan trọng nhất là chi phí phòng ngừa rủi ro, ông Thiên cho rằng đây là thời điểm tái cơ cấu lại ngành hàng không, chọn thị trường trọng điểm, điểm đến trọng điểm...
Bên cạnh sự nỗ lực của các hãng hàng không, ông Thiên gợi ý Nhà nước cũng cần đưa ra những chính sách hợp lý để đảm bảo cung không vượt quá cầu, sự phát triển tổng thể của ngành hàng không phải phù hợp với sự phát triển của cơ sở hạ tầng đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, không triệt phá nhau bằng việc giảm giá dưới giá thành dẫn đến suy yếu doanh nghiệp./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cac-hang-hang-khong-viet-day-manh-khai-thac-duong-bay-ngach/652763.vnp