Sau 2 tháng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của các hãng hàng không.
Bảo tàng cà phê, một điểm tham quan lý thú tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang thu hút nhiều du khách dịp hè này
Việt Nam thoát khỏi bẫy “du lịch COVID-19”
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc chưa mở cửa cho khách quốc tế dự báo ngành du lịch Việt Nam đứng trước một năm “thất bát” nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự chuyển hướng đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, cùng với sự góp sức của nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, đang đem đến cho ngành du lịch những kết quả khả quan.
Rất đông du khách tới tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Ghềnh đá Dĩa (Phú Yên) trong những ngày này
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau 2 tháng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi rõ rệt. Công suất phòng lưu trú đã tăng 50-60% vào giữa tuần và tăng 80-90% vào cuối tuần. Lượng khách nội địa trong tháng 6/2020 đạt 7 triệu lượt, tăng 2,3 lần so với tháng 5/2020.
Trang tin tức du lịch Skift của Mỹ nhận định ngành du lịch Việt Nam đã vực dậy mạnh mẽ sau dịch, vượt qua cả Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Còn hãng tin Bloomberg đánh giá “Việt Nam đã thoát khỏi bẫy du lịch COVID-19”, trở thành một trường hợp đặc biệt trên thế giới khi sớm mở cửa du lịch nội địa và phục hồi nhanh chóng.
Du lịch Đà Nẵng đã khởi sắc trở lại với lượng khách đến Bà Nà Hills ngày một đông
Du khách thử đàn đá tại khu du lịch Ghềnh đá Dĩa (Phú Yên)
Một bài báo trên Reuters cũng thông tin, Việt Nam và New Zealand là hai quốc gia kiểm soát tốt COVID-19, nhưng hậu COVID-19 thì Việt Nam đã làm tốt hơn New Zealand trong chiến dịch phục hồi du lịch. Theo Reuters, nếu New Zealand chờ đợi vào tăng lượng khách du lịch nước ngoài thì Việt Nam đã nhanh nhạy hơn khi tung ra chương trình kích cầu chính du khách trong nước.
Hàng không tạo đòn bẩy tăng khách du lịch
Nói về sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam, không thể không nói đến vai trò của ngành hàng không. Chính các hãng hàng không đã tạo đòn bẩy tăng lượng khách du lịch nội địa thông qua nhiều chương trình hợp tác kích cầu du lịch và nhiều chương trình khuyến mãi vé hấp dẫn.
Chỉ tính riêng Vietjet, hãng này đã ký hàng loạt thỏa thuận kích cầu du lịch với các địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa…; cùng Facebook triển khai chương trình quảng bá du lịch “Bao la Việt Nam – Bay xanh cùng Vietjet”.
Vietjet và Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch giai đoạn 2019 – 2021 và đang hưởng ứng tích cực chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Hãng tin Reuters phân tích, du lịch bằng đường hàng không là một phương thức vận tải phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, các các hãng hàng không Việt đã mở thêm nhiều tuyến bay, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu du lịch.
Trong số những hãng hàng không tham gia kích cầu du lịch, Vietjet là hãng hàng không được nhiều du khách lựa chọn khi đi du lịch
Trang tin tức hàng không Aviation Voice khẳng định, du lịch Việt Nam phục hồi nhờ vào nỗ lực của Chính phủ cùng các hãng hàng không và ngành du lịch trong việc tích cực đưa ra các gói kích cầu du lịch nội địa. Theo Aviation Voice, các hãng hàng không như Vietjet đã mạnh tay giảm giá vé, thu hút được một lượng khách lớn cho ngành du lịch, đồng thời góp phần giúp hãng lấp đầy ghế trên các chuyến bay nội địa, phục hồi 100% công suất khai thác.
Với diễn biến của thị trường thời gian qua, cùng với thông tin từ các công ty lữ hành, dự báo lượng khách du lịch nội địa trong tháng 7, 8 và các tháng cuối năm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, nếu được hỗ trợ thêm những chính sách mới để hoạt động tốt nhất sau đại dịch, các hãng hàng không sẽ tiếp tục góp phần vực dậy ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế trong năm nay.
Theo Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/du-lich-tang-manh-nho-hang-khong-1686056.tpo