Việc nông sản Việt chinh phục các thị trường thế giới không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần định hình lại ngành sản xuất quy mô hơn, tiêu chuẩn cao và chuyên nghiệp hơn.
Chiến biến vải thiều tươi xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Vifoco. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Thời gian gần đây, nông sản Việt Nam liên tục đón nhận tin vui khi một số mặt hàng được bày bán tại các quầy kệ trong hệ thống siêu thị như vài thiều sang Nhật Bản hay chuối bán tại Lotte Hàn Quốc.
Việc nông sản Việt chinh phục các thị trường thế giới không những thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần định hình lại ngành sản xuất, hướng tới quy mô lớn, tiêu chuẩn cao và chuyên nghiệp hơn.
Nhiều tín hiệu vui
Nhận định từ các chuyên gia, ngay từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc đã làm gián đoạn một số hoạt động thương mại giữa Việt Nam với thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, thủy sản và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Thống kê từ Bộ Công Thương, nhóm hàng nông, lâm thủy sản 6 tháng ước đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,8%).
Với tác động của dịch COVID-19, nhất là giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ vào thời điểm đầu tháng Hai, xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ. Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt-Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết, tính đến giữa tháng 6/2020, gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang Singapore từ cảng Hải Phòng và dự kiến đến hết mùa vải, tổng giá trị xuất khẩu có thể đạt 100 tấn.
Đáng lưu ý, ngay tuần đầu tiên, vải thiều Việt Nam bán với giá 5SGD/kg (mức khuyến mại) và tăng trở lại mức 6 SGD/kg ngay trong tuần tiếp theo, cùng mức giá với vải Trung Quốc đang bán tại Singapore.
Do chất lượng và màu sắc trái vải đẹp tươi hơn hẳn, người tiêu dùng Singapore đã ngay lập tức “phải lòng” với trái vải Việt Nam. Sau 2 tuần lên kệ, nhiều siêu thị đã không còn vải để bán.
Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là khả năng đảm bảo nguồn cung hàng chất lượng cao cho Singapore bởi nguồn vải sang thị trường này được xuất từ vùng trồng bằng hệ thống tiêu chuẩn liên kết chuỗi khối OTAS Việt Nam để phục vụ thị trường Nhật Bản.
Cùng chung niềm vui này, chia sẻ từ một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, những lô vải thiều tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được tiêu thụ rất tốt ở các siêu thị bán lẻ.
Giá bán lẻ vải thiều tại Nhật Bản sau khi cộng thuế và các khoản phí lên tới 8 - 12 USD/kg, tương đương 180.000-270.000 đồng/kg.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay. Vì vậy, Thương vụ đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii để xúc tiến xuất khẩu.
Thanh long Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Ameii - một trong bốn đơn vị chịu trách nhiệm xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản cho biết, thị trường Nhật Bản đón nhận rất tốt quả vải thiều Việt Nam. Các đối tác của công ty gần như không còn vải thiều tồn kho sau một ngày bày bán tại các siêu thị.
Còn theo Thương vụ Việt Nam Hàn Quốc, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự chuyển biến đáng kể. Nếu như năm 2015, Việt Nam chỉ xuất được khoảng 180 tấn chuối với giá trị 132.000 USD thì đến hết năm 2019 khối lượng xuất khẩu đã tăng lên 6.685 tấn, đạt 4,2 triệu USD.
Đây là sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động phối hợp, nghiên cứu cùng doanh nghiệp Hàn Quốc và Thương vụ về cải thiện giống chuối, quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Hàn Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tự hào là quốc gia duy nhất có quả thanh long được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ, còn cá basa là mặt hàng duy nhất mà Việt Nam có thể cạnh tranh với một đất nước xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ.
[Infographics] Nhiều nông sản chủ lực tăng kim ngạch xuất khẩu
Giới phân tích cho rằng, nếu như trong thời gian dịch COVID-19 rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản thì lĩnh vực nông sản hàng hóa vẫn tiếp tục tăng trưởng. Hơn nữa, thanh long Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng-khách sạn tại Ấn Độ.
Đặc biệt, ngày 22/6 vừa qua, tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Hoa Kỳ, Canada và Australia theo đường chính ngạch.
Thúc đẩy xuất khẩu
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản trong những tháng cuối năm, ông Trần Quốc Toản- Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới để có sự điều chỉnh, ứng phó phù hợp.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ, mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm hiểu thêm các thị trường, giới thiệu thêm thông tin các sản phẩm của Việt Nam; trong đó, ngoài quả vải thiều tươi thì còn giới thiệu thêm các sản phẩm đã chế biến sâu. Đây là định hướng để có thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Còn theo bà Trần Thu Quỳnh, trong bối cảnh Singapore vẫn tiến hành các biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19 nên việc triển khai chiến dịch truyền thông để quảng bá trái vải không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc đưa trái vải vào thị trường Singapore ổn định trong những năm tiếp theo, Thương vụ đang cùng Tập đoàn Fair Price (nắm tới 70% thị phần bán lẻ của Singapore) rà soát, tổng kết và rút kinh nghiệm.
Dự kiến, trong mùa vải mới, Thương vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương và tập đoàn Fair Price tổ chức “Ngày vải Việt Nam tại Singapore.”
Hiện, Thương vụ đang phối hợp với các chuyên gia Singapore để thiết kế tờ rơi bằng tiếng Anh giới thiệu và quảng bá câu chuyện trái vải của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Liên đoàn sản xuất Singapore tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam-Singapore 2020.
Quy trình sản xuất tại một cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Hơn 100 doanh nghiệp nông sản, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam và Singapore đã tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19 gây cản trở hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã tập hợp, biên soạn tài liệu 5.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phân loại theo nhóm hàng, ngành hàng và theo nhu cầu thị trường cụ thể của các doanh nghiệp và đã gửi hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại phía bạn kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Hiện, Bộ đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cơ quan liên quan mở rộng danh mục này trong thời gian tới lên khoảng 100.000 doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ còn tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xây dựng kế hoạch hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa; đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư cho các hoạt động chế biến nhằm gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản, tối đa hóa nhuận và hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả với các hàng hóa có tính mùa vụ cao.
Hơn nữa, triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Bộ cũng tiếp tục làm việc với Sở Công Thương các tỉnh cập nhật tình hình thông quan hàng hóa, hàng hóa còn tồn hàng ngày tại các khu vực cửa khẩu để có giải pháp kịp thời tháo gỡ nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản trong tình hình mới./.
Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dong-hanh-cung-nong-san-viet-chinh-phuc-thi-truong-the-gioi/649582.vnp