Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, việc Việt Nam cho giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước, không áp dụng với xe nhập là phân biệt đối xử.
>>Xe nhập vẫn giữ giá cao, "chấp" ô tô trong nước được giảm 50% phí trước bạ
>>Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Mua xe nào được lợi vài trăm triệu?
>>Từ hôm nay, người mua xe trong nước chính thức được giảm 50% phí trước bạ
Sáng nay (30/6), EuroCham đã công bố "Sách Trắng 2020" về các vấn đề kinh tế Việt Nam, trong đó có nhấn mạnh đến chính sách cho giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô trong nước mà không áp dụng điều tương tự với xe nhập khẩu.
Các doanh nghiệp châu Âu đề nghị Chính phủ giảm 50% phí trước bạ đối với xe nhập khẩu như đã làm đối với xe trong nước
EuroCham cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và các doanh nghiệp châu Âu mong muốn Chính phủ Việt Nam áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô nhập khẩu.
"Đề nghị xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế, thay vì chỉ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước thì áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới. Ngoài ra, chúng tôi khuyến nghị giảm 50% thuế VAT và lệ phí trước bạ", báo cáo của EuroCham cho biết.
Về yêu cầu kiểm định đối với ngành kinh doanh ô tô, EuroCham khuyến nghị Việt Nam chỉ nên kiểm tra 1 lần trong lần thông quan đầu tiên cho các bộ phận và thiết bị nhập khẩu.
Đồng thời tiếp tục công nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại có giá trị của UNECE/ECE và/hoặc báo cáo kiểm định đính kèm sản phẩm, đặc biệt khi EVFTA đi vào hiệu lực trong năm 2020.
Các doanh nghiệp châu Âu đề nghị tối giản thủ tục hành chính cho nhà nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan nên được phép giải phóng một phần lô hàng chứa tất cả các phụ tùng không ảnh hưởng theo Thông tư 05 thay vì chặn toàn bộ lô hàng như hiện nay.
Bên cạnh đó, EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét sửa đổ Nghị định53/2018/NĐ-CP để cung cấp định nghĩa rõ ràng về đối tượng hàng hóa thuộc phạm vi quản lý, để các nhà nhập khẩu ô tô cập nhật giấy phép kinh doanh cho phù hợp.
Liên quan tới xe điện, để đẩy nhanh thử nghiệm công nghệ, theo EuroCham một số chính sách miễn thuế cho xe điện nhập khẩu CBU cần được áp dụng cho cả nhà nhập khẩu CBU và nhà lắp ráp CKD có phối hợp với đối tác tại Việt Nam.
EuroCham cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam chỉ giảm 50% phí trước bạ cho xe trong nước là phân biệt đối xử
"Việt Nam cần bãi bỏ thuế nhập khẩu cho xe điện, xe kết hợp (hybrid điện và xăng) trong nhóm xe nhập khẩu CBU và cả các linh kiện lắp ráp, nguyên vật liệu gốc và thiết bị sản xuất nhập khẩu để sản xuất và lắp ráp xe điện", EuroCham đề nghị.
Đặc biệt, EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam nên: "Bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe điện, đồng thời hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, và hỗ trợ phát triển hệ thống sạc điện tại các đô thị lớn nhằm phát triển hệ thống đô thị thông minh".
Ngoài ra, Hiệp hội này còn kiến nghị được miễn phí sử dụng đất trong 15 năm từ lúc khởi công dự án; giảm 50% phí sử dụng đất trong 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm sau khi lắp ráp thành công xe điện nội địa đầu tiên và giảm 50% thuế cho 10 năm tiếp theo; giảm 50% thuế cho 5 năm tiếp theo; giảm 50% phí đăng ký xe điện; áp dụng 2% phí chuyển giao quyền sở hữu cho người xe điện cá nhân, và miễn phí cho xe buýt/xe tải điện.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/euro-cham-de-nghi-giam-50-phi-truoc-ba-voi-ca-o-to-nhap-20200630115753642.htm