“Doanh nghiệp nên nhìn về một hướng, đừng mạnh ai nấy làm mà phải bắt tay nhau đồng lòng...” . Đó là đề xuất của các đại diện doanh nghiệp hàng không, du lịch hàng đầu Việt Nam tại tọa đàm “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu COVID-19” sáng 10/6, do báo Tiền Phong phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức.
Thời điểm vàng cho du lịch
Ðau thương, khủng hoảng nhất lịch sử
Khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 54% so với năm ngoái. Khách nội địa giảm tới 58%. Khoảng 95% công ty lữ hành quốc tế, nội địa dừng hoạt động trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. “Ngành du lịch đối diện cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định. Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng thiệt hại với du lịch “tồi tệ” chưa từng thấy, hơn cả đợt khủng hoảng sau sự kiện 11/9/2001 lẫn đợt suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009.
Hàng không là ngành “hứng” tổn thất nặng nề nhất khi 90% tầu bay không hoạt động trong suốt đại dịch. Riêng doanh số của Vietnam Airlines giảm tới 5 nghìn tỷ đồng so với năm 2019. Trong tháng 3, 4 có ngày chỉ khai thác ba chuyến bay. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Tiếp thị & Bán sản phẩm của Vietnam Airlines nói: “Đây là đại dịch chưa từng có, ảnh hưởng sâu rộng toàn thế giới tới tất cả các ngành kinh tế trong đó nặng nề nhất là hàng không và du lịch. Hiệp hội Vận tải quốc tế hàng không đưa ra con số mất mát lên tới 314 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019”. Hàng không ở một số nước phải xin trợ giúp của chính phủ, hoặc từ doanh nghiệp hay quỹ đầu tư khác.
“Chúng ta nói đây là thời điểm vàng để kích cầu, tôi nghĩ tới đây sẽ là thời điểm vàng để phát triển thị trường du lịch nội địa”, ông Nguyễn Công Hoan" |
Đối với doanh nghiệp sở hữu các khu du lịch tâm linh lớn bậc nhất phía Bắc, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường nhắc lại cú sốc do COVID-19 gây ra. “Đầu năm 2020, vào thời điểm lễ khai hội chúng tôi chuẩn bị rất kỹ càng để mở cửa đón du khách thì bất ngờ phải hủy bỏ. Những năm trước, cứ Mùng 4 Mùng 5 tết Nguyên Đán là cao điểm, đón hàng triệu du khách nhưng năm nay gần như không bóng người. Chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn, lễ hội bị hủy bỏ”, bà Hà nói.
Doanh nghiệp nhỏ khó đã đành, doanh nghiệp lớn hàng đầu về đón khách quốc tế còn “khổ” hơn. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp có gần 2.000 cán bộ nhân viên, cộng tác viên nay phải chấp nhận thực tế doanh thu từ mức hàng chục nghìn tỷ đồng quay về thời điểm vài nghìn tỷ đồng. Nhân viên chuyển từ đón khách quốc tế xông xênh sang tính toán từ cái tăm, chai nước khi phục vụ khách nội cũng cần thời gian thích nghi.
Sở hữu chuỗi công trình làm nên dấu ấn tại các tỉnh thành như Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Quốc, tập đoàn Sungroup cũng “ thấm đòn” thiệt hại từ đại dịch. “Sau khi mở cửa trở lại, lượng khách đến các khu vui chơi, khu du lịch do Sungroup vận hành chỉ đạt 20-30% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu vẫn là khách nội địa”, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của Sungroup nêu. Các khu du lịch, vui chơi giải trí Sunworld hụt mất 3 triệu khách, ước tính hết năm 2020 doanh thu chỉ đạt khoảng 70-80% so với cùng kỳ 2019, dự kiến đạt 70% so với kế hoạch kinh doanh của năm 2020. Diễn biến phức tạp về dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng về lượng khách, doanh thu, mà còn gây khó khăn cho chúng tôi trong việc sắp xếp công việc cho 11 nghìn người lao động.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours phân tích, với doanh nghiệp kinh doanh cả lữ hành lẫn bất động sản nghỉ dưỡng, tổn thất càng nhân lên. Ngoài nỗi buồn về doanh thu, lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng khi nhân viên phải làm việc luân phiên dễ gây tâm lí chán nản, muốn ra ngoài làm việc.
Sự trở lại mạnh mẽ
Đại dịch COVID-19 gây họa nhưng trong họa có phúc, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong nói. Du lịch Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để kích cầu và phát triển du lịch. Trong khi đó ông Trần Trọng Kiên điểm lại một loạt điều kiện thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển du lịch. Chính phủ đưa ra một số chính sách khuyến khích, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Ông Kiên mong muốn doanh nghiệp đoàn kết, hợp tác phát triển và cùng thực hiện các kế hoạch truyền thông lan tỏa thông điệp “Yêu du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn”. “Tôi tin rằng du lịch Việt sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới”, ông Kiên nhận định.
Ảnh: Mạnh Thắng
Đóng cửa khu du lịch là cơ hội để cải tổ bộ máy nhân sự, cải tạo cảnh quan - đại diện Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường nói. “Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi tập trung đầu tư đa dạng hóa chính sách sản phẩm, có nhiều gói dịch vụ để du khách có nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, Xuân Trường đưa ra gói 125.000 đồng cho du khách hưởng thụ trọn gói dịch vụ ở Tam Chúc bao gồm xe điện đi lại và nghỉ ngơi ăn uống buổi trưa tại nhà hàng. Đối tượng du khách là các phật tử đến chùa để cầu bình an nên chúng tôi tập trung tạo ra các gói du lịch với giá phù hợp để kích cầu du lịch”, bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
“Khai thác du lịch không thể chỉ trông chờ vào tình yêu, sự đồng cảm của du khách. Các doanh nghiệp lữ hành phải xác định du lịch chinh phục du khách Việt, thu hút khách Việt bằng những sản phẩm hấp dẫn chứ không phải chỉ là giải pháp kích cầu nhằm chia sẻ khó khăn với du lịch”, ông Nguyễn Công Hoan nói. Ba điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam theo ông là giá cao, sản phẩm nghèo nàn, thái độ phục vụ chưa tương xứng.
Thị trường nội địa dù doanh thu không sánh bằng du lịch quốc tế, nhưng thời điểm này đang là cứu cánh đưa du lịch trở lại đường ray. Bà Trần Nguyện phân tích, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên cũng thắt chặt hầu bao hơn khi du lịch. Ngành du lịch chỉ có thể phục hồi khi các doanh nghiệp cùng hợp tác. Do vậy, Sungroup không chỉ chủ động đưa ra các chương trình kích cầu, còn chủ động hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp khác trong ngành để cùng “kết bè vượt bão”. Bà Nguyện tiết lộ, Sungroup và Vietnam Airlines bắt tay để tạo nên combo vé máy bay và nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc với giá ưu đãi chưa từng có.
Coi cộng đồng doanh nghiệp hàng không, du lịch cùng hội cùng thuyền để giải cứu ngành du lịch, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội cho rằng thời điểm này thay vì nhìn nhau thì nên cùng nhìn về một hướng. Các địa phương, doanh nghiệp cần có sự thống nhất về lộ trình tăng giá hợp lý, tránh hiện tượng mạnh ai nấy làm gây hoang mang cho chính người tiêu dùng.
Doanh nghiệp đoàn kết, cùng nhìn một hướng và hành động, vậy vai trò nhạc trưởng ở đâu? Theo ông Nguyễn Lê Phúc, phó tổng cục trưởng tổng cục Du lịch, “Với vai trò quản lý nhà nước về du lịch, chúng tôi sẽ cùng các Sở quản lý du lịch giám sát làm sao cơ chế, chính sách, bám sát hành lang chung để doanh nhiệp có thể vận hành tốt nhất, gặp khó khăn thì tháo gỡ cho các doanh nghiệp”
Theo Ngọc Mai - Toan Toan/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/vuc-day-nganh-du-lich-thoi-co-vang-1671308.tpo