Nghị sỹ Marc Tarabella cho rằng có sự bổ sung rất lớn giữa châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, như vậy EVFTA là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Càphê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hàng tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dịp Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Nghị sỹ thuộc Ủy ban nông nghiệp của Nghị viện châu Âu, Marc Tarabella, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels về những cơ hội và thách thức đối với nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu khi hiệp định đi vào thực thi.
Nghị sỹ Marc Tarabella đánh giá về tổng thể, thỏa thuận với Việt Nam về nông nghiệp là một thỏa thuận tốt, bởi mỗi bên sở hữu các thế mạnh hoàn toàn khác nhau, trong đó phía châu Âu có thể xuất khẩu thịt bò, các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, trong khi phía Việt Nam sẽ được hưởng một hạn ngạch miễn thuế đối với 30.000 tấn gạo trắng, 20.000 tấn gạo nguyên cám và 30.000 tấn gạo thơm, cùng với một số mặt hàng khác.
Ngoài ra còn nhiều mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam mà theo ông Tarabella có thể kỳ vọng được hưởng lợi ích như hạt điều, trà và càphê.
Việt Nam hiện có những nhà sản xuất và xuất khẩu càphê lớn và đây là những sản phẩm sẽ được miễn thuế.
Ông cho rằng có sự bổ sung rất lớn giữa châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, như vậy EVFTA là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
[Truyền thông châu Âu đưa đậm thông tin Việt Nam phê chuẩn EVFTA]
EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp tăng hơn 15 tỷ euro kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và hơn 8 tỷ euro từ châu Âu sang Việt Nam mỗi năm. Ông Tarabella đánh giá triển vọng tích cực của trao đổi thương mại giữa hai bên.
Thực tế, 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ được bãi bỏ khi thỏa thuận có hiệu lực và phần còn lại sẽ được áp dụng dần cho đến năm 2030. Nghị sỹ châu Âu cho rằng điều này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Theo Nghị sỹ Tarabella, trong tương lai, khi hiệp định có hiệu lực hoàn toàn, Việt Nam cần tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để thuận lợi hơn cho xuất khẩu.
Ông Tarabella nhấn mạnh một thách thức thực sự là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo theo tiêu chuẩn châu Âu.
Ông cho rằng muốn cải thiện các tiêu chuẩn, khâu kiểm soát và khâu sản xuất phải tuân thủ các chuẩn mực của châu Âu, và một khi vấn đề này được giải quyết thì Việt Nam có thể tăng trao đổi thương mại trong tương lai.
Một khía cạnh khác rất quan trọng là sự tuân thủ các quy trình trong sản xuất và xác định nguồn gốc xuất xứ. Việt Nam sẽ tôn trọng 169 chỉ dẫn địa lý châu Âu trong khi phía EU cũng sẽ tôn trọng các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Ông cho rằng EVFTA sẽ đóng vai trò là đòn bẩy để cải thiện các tiêu chuẩn mà ông đề cập, theo đó, hiệp định này thực sự là một cơ hội để mở rộng trao đổi và hội tụ các điều kiện để hướng tới các tiêu chuẩn tham vọng hơn./.
Theo Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-va-thach-thuc-voi-nong-san-viet-nam-khi-evfta-duoc-thuc-thi/644576.vnp