BGTV- Niên vụ vải thiều năm 2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài, bên cạnh đó thị trường biến động cũng sẽ tác động không nhỏ tới vấn đề tiêu thụ, do đó huyện Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung đã và đang tập trung các nguồn lực nhằm ứng phó với các tình huống bất lợi cũng như tìm hướng đi hiệu quả cho quả vải trong năm nay.
Đầu mùa giá cao
Các nhà vườn bắt đầu thu hoạch vải sớm, giá vải thời điểm này tương đối ổn định ở mức cao
Đến thời điểm hiện tại, diện tích vải chín sớm chủ yếu là các giống u hồng, u trứng... trên địa bàn tỉnh đang được thu hoạch rộ một số xã tại Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn. Dự báo sang tháng 6, vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình chị Lê Thị Phượng (xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) hiện đang tất bật thu hoạch vải u hồng chín sớm. Giá đầu mùa bán tại vườn từ 20 – 25.000 đồng/kg, chủ yếu được các thương lái Việt Nam thu mua vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ. Với gần 100 gốc vải U hồng cho thu hoạch sớm, dự kiến doanh thu của gia đình năm nay cũng khoảng 80 triệu đồng. Chị Phượng cho biết: “Lúc trước dịch bệnh nên gia đình cũng rất lo, nhưng may là thời điểm này tiêu thụ khá thuận lợi, giá thu mua cũng tương đối mọi năm, mã vải sáng và đẹp hơn, cùi chắc, dày và vị ngọt đậm hơn. Năm nay vẫn chủ yếu là những mối quen đặt từ trước về thu mua tại vườn nên gia đình tôi cũng phấn khởi”.
Với các tiểu thương thu mua vải chín sớm, thời điểm đầu mùa việc tiêu thụ thường khá thuận lợi. Anh Nguyễn Văn Tiến (Yên Phong – Bắc Ninh) cho biết: “Hiện giá vải thu mua tại vườn nếu mua xô thì khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg loại vải u hồng, nếu là “hàng chọn” thì giá khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Năm nay ảnh hưởng dịch nên cũng không thể nói trước điều gì nhưng đến hiện tại tiêu thụ cũng tương đối ổn định”.
Kịch bản “dài hơi” cho tiêu thụ
Tại Lục Ngạn sản lượng vải năm nay dự kiến khoảng 85.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn vải chín sớm. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu quả vải năm nay gặp không ít khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản... Theo UBND huyện Lục Ngạn, đến nay huyện đã tập trung, đẩy mạnh công tác quảng bá, tìm kiếm thị trường trong nước, hướng đến các khu vực tiềm năng trong và ngoài tỉnh như các khu, cụm công nghiệp, làm việc với các siêu thị lớn như Big C, Hapro, Co.opmart... để lên kế hoạch cho việc tiêu thụ.
Thị trường ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, do đó công tác chuẩn bị, xúc tiến tiêu thụ càng cần được các địa phương quan tâm chú trọng
Là “thủ phủ” vải thiều lớn nhất cả nước, do đó việc tìm kiếm thị trường, hỗ trợ người dân Lục Ngạn tiêu thụ, xuất khẩu quả vải sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc thời điểm dịch bệnh Covid-19 cũng được Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm nay, thời gian thông quan với phía Trung Quốc sẽ được tăng thêm (từ 5 giờ lên 9 giờ). Bên cạnh đó, các tình huống ứng phó với dịch bệnh trong thời điểm tiêu thụ vải thiều cũng được đưa ra, nếu dịch bệnh phức tạp, có thể sẽ tập trung tiêu thụ vải sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Thị trường nội địa thời điểm này cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, theo đó huyện Lục Ngạn sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, miền Tây... Song song với đó là đẩy mạnh công tác chế biến, sấy khô, ép nước... để xuất khẩu.
Theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm nay đặc biệt quan tâm đến công tác công tác xúc tiến thương mại. Dự kiến vào đầu tháng 6, Bắc Giang sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến tại 3 điểm cầu trong nước và hai điểm cầu ở Trung Quốc.
Dự kiến, với khoảng 190 thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua vải thiều, huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho phép đưa đón các thương nhân từ biên giới về nơi cách ly ở Lục Ngạn, danh sách các thương nhân này được gửi về UBND tỉnh và báo cáo Bộ Công an để làm thủ tục nhập cảnh, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định và việc thu mua vải cũng được giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, để ứng phó với dịch bệnh và đảm bảo an toàn trong quá trình tiêu thụ vải thiều, công tác giám sát, cách ly đối với người nước ngoài cũng được huyện Lục Ngạn cũng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng./.
Minh Anh