4
/
90821
Vì sao giá thịt heo không chịu giảm?
vi-sao-gia-thit-heo-khong-chiu-giam
news

Vì sao giá thịt heo không chịu giảm?

Thứ 7, 02/05/2020 | 15:40:00
582 lượt xem

Dù giá heo hơi được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bán ra chỉ còn 70.000 đồng/kg và lượng thịt heo nhập khẩu tăng đến 300%, nhưng giá thịt heo vẫn chưa "hạ nhiệt", thậm chí có loại lên tới 280.000 đồng/kg!

Vì sao giá thịt heo không chịu giảm? - Ảnh 1.

Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại một nhà máy giết mổ - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Nhiều doanh nghiệp (DN) và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thừa nhận giá thịt heo tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, bởi tổng đàn heo thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam vào năm 2019. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thay vì áp đặt các mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào giá thịt heo, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh giá gà và vịt đang dưới giá thành, giá thủy sản đang rất rẻ.

Nếu người dân sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua thịt heo giá cao thay vì ăn thịt gà hay ăn cá giá rẻ là quyền của họ, lựa chọn của họ. Sao lại bắt người nuôi heo phải bán giá rẻ cho những người sẵn sàng chịu chi trả cho giá heo cao?

Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN)

Vì sao giá thịt heo không chịu giảm? - Ảnh 4.

Thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) vẫn dồi dào - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mua heo phải qua... "cò"?

Tại "thủ phủ heo" Đồng Nai, giá heo hơi vẫn còn ở mức rất cao, dao động từ 83.000 - 85.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 4. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi được thương lái mua vào với mức trung bình 84.000 đồng/kg, cá biệt có một số hộ vừa xuất bán heo hơi với giá 87.000 đồng/kg.

Anh Lương Quốc Hùng - chủ trại heo tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc - cho biết gia đình anh đang nuôi khoảng 300 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng. 

Với giá bán 85.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi con heo gia đình anh lời khoảng 2 triệu đồng, đồng thời khẳng định giá heo hơi khó "hạ nhiệt" do nguồn cung ít, trong khi giá thành sản xuất tăng cao.

Do ảnh hưởng của dịch ASF, hầu hết đàn heo nái và heo hậu bị của người dân bị thiệt hại khiến con giống khan hiếm và phụ thuộc vào các DN lớn. Giá heo giống hiện vào khoảng 3,3 triệu đồng/con (6 - 10kg), thậm chí lên đến 3,8 triệu đồng/con (23 - 25kg). 

Tuy nhiên, để mua được heo giống, anh Hùng phải đặt trước từ nhiều tháng và chấp nhận chi khoảng 100.000 đồng/con cho đại lý cấp 1.

Muốn kéo giảm giá heo hơi xuống thấp, cần phải có giải pháp giảm giá con giống xuống còn khoảng 1 - 2 triệu đồng/con. 

"Còn với giá con giống hiện nay, cộng thêm tiền cám, kháng sinh, thuốc thang, chi phí hao hụt, công cán, tiền điện và tiền trại, giá thành heo thịt xuất chuồng khoảng 6,6 triệu đồng/con, chưa tính những rủi ro khác" - anh Hùng nói.

Giá heo cao chính là một động lực quan trọng để người chăn nuôi đầu tư tăng đàn, tăng nguồn cung tương lai. Do đó, cần phải chấp nhận giá cao trong một thời gian để tăng đàn, khi đó nguồn cung sẽ tăng và giá cả giảm lại.

Ông Nguyễn Trí Công (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết hiện gia đình bà đang nuôi khoảng 10 con heo thịt và rất muốn tăng đàn nhưng không mua được con giống. 

Dù tính đến phương án giữ lại một vài con heo đẹp làm heo nái để chủ động được nguồn con giống, nhưng bà Cúc cho biết thời gian nuôi heo hậu bị đến khi đẻ lứa đầu tiên kéo dài gần cả năm, trong khi chưa biết giá heo thời gian tới như thế nào.

Theo một số thương lái trên địa bàn Đồng Nai, dù có mã code nhưng rất khó mua heo trực tiếp từ các DN FDI mà phải thông qua "cò" với giá chênh lệch hơn chục ngàn đồng/kg. 

"Các DN FDI công bố xuất bán heo hơi với giá 70.000 đồng/kg. Song thực tế chúng tôi không thể mua trực tiếp heo từ công ty mà phải mua qua "cò" với giá 83.000 - 85.000 đồng/kg, nên giá thịt heo bị đẩy lên khi đến tay người tiêu dùng" - bà N., một thương lái tại huyện Thống Nhất, khẳng định.

Vì sao giá thịt heo không chịu giảm? - Ảnh 6.

Người dân mua thịt heo tại chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người chăn nuôi và tiêu dùng đều thiệt?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một DN chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng đàn heo của các DN chăn nuôi lớn chiếm khoảng 35% tổng đàn heo cả nước nên việc điều chỉnh giá cả thịt heo trên thị trường là nhiệm vụ bất khả thi. 

Việc giảm giá heo hơi xuất chuồng thời gian qua là do chỉ đạo từ các cơ quan chức năng nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì giá bên ngoài thị trường vẫn ở mức cao.

"Giá heo cao bản chất là do nguồn cung heo bị thiếu. Chúng tôi giảm giá theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT từ 90.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg, nhưng các thương lái mua tại nhà máy đem ra cổng đã bán lại với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, kiếm lời 1,5 - 2 triệu đồng/con heo. 

Như vậy, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi, mà chỉ có một bộ phận thương lái gom heo ở các nhà máy là siêu lợi nhuận" - vị giám đốc này chia sẻ.

Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Bình Dương cũng cho rằng giá heo hiện nay đúng là đem lại mức siêu lợi nhuận cho người chăn nuôi thành công nhưng giá cả là do cung cầu quyết định. 

Theo vị này, khi heo chết vì dịch ASF, chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ được Chính phủ hỗ trợ đền bù, còn DN không được hỗ trợ. Khi giá heo tăng cao hiện nay, DN chăn nuôi lại bị xem như tội đồ là điều rất vô lý.

"Các công ty chăn nuôi đều có nhiều loại như heo, gà thịt, gà đẻ và vịt. Thời gian qua giá gia cầm và trứng rẻ hơn rau, đâu có ai hô hào giải cứu DN trong khi DN hạch toán là lấy mặt hàng có lời bù vào mặt hàng bị lỗ. Nếu chỉ nhìn vào một mặt hàng có lời để nói chúng tôi là không công bằng" - vị này nói.

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói việc các cơ quan quản lý cho rằng mức giá bán heo hơi khoảng 60.000 đồng/kg là đã thu siêu lợi nhuận do giá thành chỉ có 45.000 đồng/kg là "cách tính máy móc và thiếu hợp lý". 

Bởi số liệu này được tính toán trong tình trạng không có dịch bệnh, khi mà tỉ lệ hao hụt heo ở mức 3 - 5%. Với tình hình dịch ASF chưa có vắcxin phòng chống hay thuốc đặc trị, tỉ lệ chết có thể lên đến 30 - 35%.

"Với tỉ lệ hao hụt lên tới 30 - 35%, tức nuôi 3 con chết 1 con, giá thành bị đội lên rất cao và mức độ rủi ro quá lớn. Nếu mức giá bán ra không đủ hấp dẫn, sẽ không ai dám đầu tư nuôi heo giai đoạn này. Giá heo cao chính là một động lực quan trọng để người chăn nuôi đầu tư tăng đàn, tăng nguồn cung tương lai. Do đó, cần phải chấp nhận giá cao trong một thời gian để tăng đàn, khi đó nguồn cung sẽ tăng và giá cả giảm lại" - ông Công nói.

Vì sao giá thịt heo không chịu giảm? - Ảnh 7.

Lò mổ Thy Thọ (TP Long Khánh, Đồng Nai) chuẩn bị đơn hàng cho một hệ thống siêu thị trên địa bàn - Ảnh: A LỘC

Phải thay đổi thói quen tiêu dùng

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng việc xem thịt heo như một mặt hàng không thể thiếu khiến cho Chính phủ và các bộ ngành có những quyết định và chính sách chưa hợp lý, không khả thi và phi thị trường. 

"Chính phủ lấy tiền đâu ra mà bình ổn thị trường thịt heo. Trong khi giá tăng là do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Muốn giá giảm chỉ có cách hoặc là tăng nguồn cung, hoặc là giảm nhu cầu" - ông Bình nói.

Theo ông Bình, tăng nguồn cung là khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, nhưng điều này mất nhiều thời gian. Giải pháp khác là tăng cường nhập khẩu thịt heo về để tăng nguồn cung trong nước. 

Tuy nhiên, do hoạt động chăn nuôi heo tại nhiều nước cũng bị dịch ASF tấn công, chưa kể dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung và cầu thịt heo, nên giá thịt heo thế giới cũng tăng lên. Việc nhập khẩu một lượng rất lớn thịt heo về Việt Nam là không dễ dàng như trước kia.

Do đó, theo ông Bình, cách tốt nhất là người tiêu dùng chuyển sang dùng loại thịt khác thay thế thịt heo. Thời gian qua giá gà giảm sâu, nhiều lúc thấp hơn giá rau. 

Giá vịt, giá trứng cũng ở mức thấp. Giá cá tra không xuất khẩu được cũng ở mức rất rẻ. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể thay thế thịt heo bằng các loại thịt này vừa đảm bảo chi tiêu mà giảm nhu cầu vào thịt heo.

"Trong hoàn cảnh dịch bệnh và giá cao, thói quen cần phải thay đổi để thích ứng. Nếu người dân sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua thịt heo giá cao thay vì ăn thịt gà hay ăn cá giá rẻ là quyền của họ, lựa chọn của họ. Sao lại bắt người nuôi heo phải bán giá rẻ cho những người sẵn sàng chịu chi trả cho giá heo cao?" - ông Bình thắc mắc.

Theo TS Nguyễn Đức Thành - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc buộc các DN phải giảm giá bán heo hơi thời gian qua là phi thị trường. 

Việc áp đặt giá bán của DN chăn nuôi hay hệ thống phân phối như vậy là gây thiệt hại cho DN, còn người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt đắt như bình thường. Bởi thịt heo cũng giống như các mặt hàng khác, nguồn cung khan hiếm chi phối giá cả.

Hệ thống phân phối cũng góp phần làm cho giá thịt đến tay người tiêu dùng tăng cao. 

"Nhưng nếu tác động quá mạnh vào khâu phân phối sẽ làm giảm động lực phân phối, càng khiến cho giá tăng cao. Do đó, hãy để thị trường tự vận hành. Nhà nước có thể giảm bớt sự căng thẳng về nguồn cung bằng các chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn heo, khuyến khích DN nhập khẩu thịt heo về để tăng nguồn cung trong nước" - ông Thành nói.


Giá gà xuất chuồng vẫn dưới giá thành

thit ga

Dán tem truy xuất nguồn gốc thịt gà tại một nhà máy - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Thông tin từ nhiều trại nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ cho biết giá gà công nghiệp (lông trắng) bán ra tại chuồng hiện tăng nhẹ so với tuần trước, lên mức 21.000 đồng/kg.

Tuy vậy, giá này vẫn thấp hơn giá thành chăn nuôi 3.000 đồng/kg, cộng với mức giá thấp kéo dài trước đó khiến người nuôi thua lỗ nặng. Tương tự, giá vịt bán ra tại chuồng hiện ở mức thấp, khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - nhận định giá gà ở mức thấp kéo dài do nhu cầu tiêu thụ giảm vì ảnh hưởng từ việc cách ly xã hội bởi COVID-19. Tuy vậy, giá gà dễ biến động nên có thể tăng nhanh nếu thị trường tiêu thụ tốt hoặc nguồn cung giảm.

Cùng ngày, ghi nhận tại một số siêu thị ở TP.HCM cho thấy giá thịt gà vẫn đứng ở mức khá cao với đùi gà và cánh gà 75.000 - 90.000 đồng/kg, ức gà 65.000 - 73.000 đồng/kg, má đùi 45.000 đồng/kg...

Theo một số siêu thị, giá thịt gà bán ra tại nhiều siêu thị cao hơn nhiều so với giá bán tại trại là do thịt gà tiêu thụ trong siêu thị có nguồn cung chủ yếu từ mô hình nuôi theo chuỗi, giá bán ký kết cố định với mức 23.000 - 25.000 đồng/kg.

NGUYỄN TRÍ


Ông Phùng Đức Tiến (thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

Sẽ tạo thuận lợi tối đa cho nhập thịt heo

Tính đến hết ngày 27-4, Việt Nam đã nhập được 54.000 tấn thịt heo, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y các thủ tục hành chính về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng phải đảm bảo ngắn nhất, nhanh nhất và đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng nhập 100.000 tấn thịt heo để ổn định nguồn cung trong nước.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Tài chính khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các DN tìm kiếm các nguồn hàng có giá hợp lý để các đơn vị tăng nhập khẩu heo.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã làm việc với nhiều địa phương đề nghị chỉ đạo và kêu gọi các DN vừa và nhỏ, các trang trại, hộ chăn nuôi đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn đảm bảo an toàn sinh học. Bởi việc tái đàn, tăng đàn heo là giải pháp để đảm bảo đủ cân đối cung cầu và hạ giá thịt heo.

Với tốc độ tái đàn như hiện nay, tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng cả năm 2020 dự kiến khoảng 4 triệu tấn, trong đó quý 2-2020 đạt hơn 900.000 tấn, quý 3-2020 đạt hơn 1 triệu tấn, quý 4-2020 gần 1,1 triệu tấn. Như vậy, đến quý 3 hoặc 4 sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt heo.

kiem tra thit heo

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra thịt heo nhập khẩu - Ảnh: B.N.N.

Ông Nguyễn Văn Trọng (phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT):

Thiếu con giống để tái đàn, tăng đàn

Dù các DN chăn nuôi lớn đã hạ giá bán heo hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên do đàn heo tại các DN chăn nuôi chỉ chiếm 35% tổng đàn, trong khi heo tại các trang trại, gia trại và hộ dân chiếm đến 65% tổng đàn, vẫn được bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg khiến cho giá thịt heo vẫn neo ở mức cao.

Giá thịt heo vẫn tăng thời gian qua chủ yếu do thiếu nguồn cung và chi phí khâu trung gian cao. Để giảm giá thịt heo, không còn cách nào khác ngoài việc tăng nguồn cung. Tuy nhiên, việc tái đàn và tăng đàn sau dịch ASF đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung con giống khan hiếm, giá cao từ 2,5-3 triệu đồng/con giống.

Tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình…, tốc độ tái đàn rất thấp, có nơi chỉ mới hơn 30% tổng đàn so với trước khi có dịch ASF, do e ngại dịch tái phát. Đàn nái đang còn tập trung chủ yếu ở các DN chăn nuôi lớn nhưng các đơn vị này cũng tái đàn, tăng đàn nội bộ, hạn chế bán ra ngoài.

Ông Huỳnh Thành Vinh (giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai):

Giá thành chăn nuôi cao

Đồng Nai đang còn hơn 2 triệu con heo, giảm khoảng 500.000 con so với thời điểm trước dịch ASF (tháng 4-2019). Hầu hết heo thuộc các trang trại lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không còn.

Trong khi đó, giá heo giống hiện rất cao và phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những DN FDI có đàn giống tốt hầu như "khống chế" giá heo giống hiện nay.

Với mức giá trên 3 triệu đồng/con heo giống thì khi xuống các trang trại, giá thành đã khoảng 60.000 đồng/kg. Do đó, nếu với mức giá bán khoảng 70.000 đồng/kg, các trang trại nhỏ lẻ không phải DN FDI chắc chắn sẽ thua lỗ.

C.TUỆ - A LỘC


Theo Trần Mạnh - A Lộc/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/vi-sao-gia-thit-heo-khong-chiu-giam-20200502082421042.htm

  • Từ khóa

Làng nghề, điểm may gia công bị xóa sổ

Nhiều điểm sản xuất nhỏ, cơ sở may gia công, làng nghề đang gặp khó hoặc buộc rời bỏ cuộc chơi trước sức ép hàng ngoại nhập giá rẻ, nhất là hàng Trung...
17:00 - 25/11/2024
113 lượt xem

Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân

Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Việc sửa đổi một cách...
14:33 - 25/11/2024
181 lượt xem

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump khiến doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh nhập hàng để tích trữ, đây là cơ hội cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường...
12:40 - 25/11/2024
240 lượt xem

Tăng trở lại, giá gạo Việt cao nhất thế giới

Sau khi mở kho vào cuối tháng 9, Ấn Độ đạt giá trị xuất khẩu gạo vượt 1 tỉ USD trong tháng 10. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là những ngày gần đây, giá gạo trên...
10:51 - 25/11/2024
279 lượt xem

Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro

Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có...
09:55 - 25/11/2024
317 lượt xem