BGTV- Vay tiêu dùng (VTD) tại Bắc Giang phát triển mạnh những năm gần đây, giúp người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn vay chính thống nhờ ưu điểm thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, thị trường “cho vay tín chấp” này cũng có nhiều điểm bất cập còn tồn tại.
Người vay bất cẩn
VTD là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm và các nhu cầu thiết yếu khác. Đối tượng VTD thường là những người thu nhập thấp có mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng không có tài sản đảm bảo, không thể đi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Việc quyết định vay một khoản tiền phù hợp với năng lực tài chính và nhu cầu đòi hỏi mỗi người phải cân nhắc thật kỹ càng.
Chị Trần Thị Vân, nhân viên tư vấn tín dụng tại TP Bắc Giang cho biết, thời gian qua công ty nhận nhiều phản hồi, thắc mắc từ phía khách hàng dù những vấn đề này đều quy định rất rõ ràng trong hợp đồng. Thực tế nhiều người đi vay nhưng thường bỏ qua, thậm chí không xem qua nghĩa vụ trả nợ, số tiền lãi phải trả góp hàng tháng, chỉ đến khi xảy ra khó khăn khiến họ mất cân đối về tài chính, không thể thanh toán đúng hạn thì lúc này mới xem lại hợp đồng và khiếu nại công ty tài chính.
Hình thức cho VTD hiện đa dạng, nhanh chóng thông qua internet và các ứng dụng trên điện thoại
Hiện nay, hai phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Trả nợ theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp, hàng tháng khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng với lãi suất quy định cố định. Với phương thức trả theo dư nợ giảm dần, hàng tháng, khách hàng sẽ trả một khoản tiền bao gồm gốc và lãi (lãi tính theo số nợ thực tế), do đó số tiền lãi hàng tháng khách hàng phải trả giảm dần.
Có thể nói rằng, trong các hoạt động tín dụng thì hoạt động cho VTD của các công ty tài chính chứa nhiều rủi ro vì không có tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín về năng lực trả nợ của cá nhân. Bởi vậy, sau khi giải ngân, nhiều khách hàng đã không thực hiện trả nợ đúng hạn, dẫn đến câu chuyện đòi nợ, thậm chí là tranh chấp dẫn đến mâu thuẫn. Tại các tổ chức, công ty tín dụng nước ta hiện nay, việc đòi nợ có 2 hình thức, một là do công ty tài chính tự đòi và hai là do các công ty tài chính ủy quyền cho bên thứ ba có chức năng thu hồi nợ theo Nghị định 104 của Ngân hàng Nhà nước về dịch vụ thu hồi nợ (quy định tại Thông tư số 43, Thông tư số 18 sửa đổi bổ sung).
Bởi vậy, trong trường hợp đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả được là vi phạm quy định của hợp đồng tín dụng, lúc này sẽ phát sinh các quyền của bên cho vay như lãi phạt, đòi nợ hoặc quyền bán nợ cho dịch vụ thu hồi nợ. Trong trường hợp gian dối, lợi dụng hoạt động vay tín chấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc bỏ trốn không trả nợ... sẽ được khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (với khoản vay trên 2.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015, trường hợp sử dụng tiền bất hợp pháp, mất khả năng trả nợ, gian dối hoặc bỏ trốn sẽ bị khép vào hành vi có dấu hiệu hình sự, người vay tiền có thể đối mặt với án tù). Chính vì thế, người VTD cần nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, có ý thức trả nợ, nếu gặp khó khăn cần thông báo kịp thời, thỏa thuận phương án giãn nợ hoãn nợ với công ty tài chính.
“Tín dụng đen” núp bóng
Hiện nay các hình thức tín dụng, cho vay tiếp cận người dân bằng mọi cách như treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, tin nhắn, núp bóng các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính… Một số đối tượng lợi dụng mô hình này để thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp… Từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, an ninh kinh tế và xã hội.
Anh Nguyễn Huy H (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) cho biết thông qua lời giới thiệu trên facebook, anh đã vay một khoản gần 20 triệu đồng dưới hình thức VTD với mức lãi suất thông báo là 2,99%/ tháng, tuy nhiên đến nay dù đã hơn 7 tháng nhưng số nợ vẫn còn gần 15 triệu đồng (dù đã trả 1 triệu đồng/tháng). Khi khiếu nại với bên cho vay, anh H mới vỡ lẽ các điều khoản trong hợp đồng quy định tính lãi suất theo dư nợ ban đầu chứ không phải theo dư nợ giảm dần, lãi suất thực tế phải trả là gần 4%/tháng.
Sự mập mờ trong cách tĩnh lãi suất cùng những thông tin được “tô hồng” khi cho vay đã khiến nhiều người nhanh chóng đặt bút ký kết mà không tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc khả năng chi trả, điều này đã tạo kẽ hở để “tín dụng đen” núp bóng, khi người vay phản ứng, nhiều đối tượng cho vay tiến hành đòi nợ kiểu “xã hội đen” gây mất an ninh trật tự xã hội.
Người dân cần lựa chọn các công ty tài chính uy tín, tránh rủi ro khi VTD
Để tránh rủi ro và không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của tổ chức tín dụng, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống tài chính quốc gia, ngăn ngừa “tín dụng đen” núp bóng dưới các hình thức VTD, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa nhằm tiếp cận khách hàng song vẫn đảm bảo an toàn, minh bạch. Bên cạnh đó, người dân khi có nhu cầu vay vốn thì nên lựa chọn những ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín, những cơ sở được cấp phép, có trụ sở rõ ràng... tìm hiểu kỹ các điều khoản vay, quy định về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt, cơ quan tài phán cho các tranh chấp, điều kiện để chấm dứt trước thời hạn... để tránh những rủi ro không đáng có./.
Minh Anh