Dù xăng dầu đã trải qua 7 lần giảm giá với tổng cộng hơn 5.000 đồng/lít, tuy nhiên giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn chưa nhúc nhích theo đà giảm của xăng.
Nhiều loại thực phẩm đứng giá cao khiến bà nội trợ lo lắng
Thực phẩm nhảy giá
Xách giỏ rảo qua mấy quầy hàng rau quả trong chợ, chị Trần Thị Lan (42 tuổi, ngụ Q.6) vừa nhẩm tính, cân đối thức ăn cho đủ số tiền đem theo. “Xăng giảm nhiều lần nên tôi cứ đinh ninh hàng hóa ngoài chợ cũng giảm theo. Ấy vậy mà… giá vẫn neo cao” – chị Lan thở dài.
Tại nhiều chợ truyền thống, giá nhiều mặt hàng rau củ… "đứng yên", thậm chí một số loại còn tăng vì hút hàng. Rau má, xà lách từ 50.000-65.000 đồng/kg, bông cải, cà rốt Đà Lạt 40.000 đồng/kg; cá đồng từ 80.000-150.000 đồng/kg…
Cầm 200.000 đồng ra chợ nhưng mua gì cũng phải cân hắc, tính toán. “Trước tôi mua rau nấu canh chua, chỉ cần 20.000 đồng là đủ các loại. Thế mà hôm nay chủ hàng nói 30.000 đồng mới bán, đó là chưa tính thơm, me” – anh Huân (ngụ chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân, TPHCM) nói.
Rau củ đang trên đà tăng giá
Thủy hải sản cũng neo ở mức cao, cá thu cắt lát giá 220.000 đồng/kg, cá ngừ 100.000 đồng/kg, cá bớp 250.000 đồng/kg, cá lóc và cá diêu hồng đồng giá 60.000 đồng/kg, cá nục 70.000 đồng/kg. Mức giá này so với trước đó 1 tháng hầu như không có nhiều thay đổi trong khi giá xăng trong 1 tháng qua như nói trên, đã giảm tới 5.000 đồng/lít. “Trước đây, cứ hễ xăng lên giá thì y như rằng hôm sau, các mặt hàng “té nước” theo ngay; còn giờ, xăng giảm cũng như không” – bà Mỹ (50 tuổi, ngụ Q.3) lắc đầu ngao ngán.
“Kinh khủng” nhất là giá thịt heo ngoài chợ. Ngày 15/4, tại một số chợ “nhà giàu” như Bến Thành, Tân Định (Q.1, TPHCM), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Nguyễn Tri Phương, Thành Thái (Q.10)… thịt heo bán lẻ giá cao ngất ngưỡng; như ba rọi rút sườn cao nhất 240.000 đồng/kg với, ba rọi thường 180.000 đồng/kg, sườn non 200.000-220.000 đồng/kg, nạc vai 140.000 - 150.000 đồng/kg.
Thịt heo giá cao ngất ngưỡng là nỗi ám ảnh của bà nội trợ những ngày này
Với một số siêu thị thông báo giảm giá thịt heo, bán hàng bình ổn, bán thịt heo không lợi nhuận… nhưng thịt heo nhưng vẫn ở mức cao, trong đó sườn non có giá tới 238.000 đồng/kg, ba rọi rút xương 179.000-220.000 đồng/kg, nạc vai 140.000 đồng/kg, nạc đùi heo 140.000-161.000 đồng/kg, chân giò 128.000 đồng/kg, cốt lết gần 140.000 đồng/kg…
Trong khi đó, giá heo mảnh bán tại chợ đầu mối cao nhất đã lên 115.000 - 120.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, giá heo mảnh như vậy tương đương giá heo hơi từ 80.000-85.000 đồng/kg.
Muốn giảm… còn lâu
Cho rằng rau củ, trái cây không phụ thuộc giá xăng dầu, bà Thu (tiểu thương chọ Bến Thành, Q.1) nói: “Chúng tôi mua giá cao thì phải bán cao, được giá thấp thì bán rẻ cho khách hàng. Rau củ phụ thuộc mùa vụ, xăng dầu chỉ ảnh hưởng chút đỉnh nhưng không đáng kể. Ví dụ như bây giờ xăng rẻ, nhưng nhiều loại trái cây miền Tây dính hạn mặn, không có trái thì giá cũng bị đẩy lên cao”.
Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM chia sẻ, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng với các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá còn tùy thuộc vào cung cầu thị trường, vào nguồn cung cũng như sức tiêu thụ.
“Giá cả hàng hóa tăng hay giảm do nhiều yếu tố quyết định, trong đó có 1 phần xăng dầu, ngoài ra còn có tiền lương tài xế, tiền công nhân viên… Bên cạnh đó, thông thường thương nhân và nhà xe đã có hợp đồng, bạn hàng lâu năm với nhau, tùy tình hình thị trường biến động mà mỗi bên chịu thiệt một chút để chia sẻ cho nhau. Do đó, xăng dầu vừa giảm chưa tác động ngay giúp giá hàng hóa giảm theo mà cần có thời gian” – ông Tiển nhìn nhận.
Lý giải cước vận tải khó giảm dù xăng tăng giá, anh Hoàng, chủ một hãng vận tải tư nhân (Q.Tân Bình) phân tích, chi phí xăng dầu chiếm đến 40% giá thành vận tải nhưng các hợp đồng vận chuyển thường được kí theo năm, theo dự án.
“Dù xăng có tăng thì chúng tôi cũng không thể yêu cầu khách hàng tăng giá cho mình được, nên lúc xăng dầu giảm thì cũng không thể thay đổi hợp đồng. Các bên thường có quy định và thống nhất không thay đổi bởi giá xăng dầu trước khi ký kết”.
Tiểu thương kinh doanh thịt heo cho biết, giá heo bán lẻ tăng do giá heo mảnh tăng, lượng heo về chợ rất ít
Trao đổi với bà Lý Thu Trang, chủ một siêu thị tiện lợi ở Q.3, bà Trang khẳng định đến thời điểm này, giá các mặt hàng trong siêu thị vẫn giữ nguyên bởi giá cước vận chuyển không giảm.
“Chúng tôi đã ký kết với các đơn vị vận tải theo năm, trong đó không có điều khoản nào quy định giá xăng dầu giảm thì cước vận chuyển phải giảm theo. Hơn nữa, nhà cung cấp cũng không giảm giá các mặt hàng, nếu siêu thị tự động giảm giá sẽ ảnh hưởng đến hạch toán cân đối chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp giá cước giảm, chắc chắn chúng tôi sẽ có chính sách điều chỉnh, giảm giá” – bà Trang khẳng định.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ, xăng dầu giảm lúc này là do dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu khiến nhu cầu vận chuyển giảm, kéo theo nhu cầu xăng dầu cho ngành vận tải giảm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, nhu cầu sử dụng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là xăng dầu ít đi.
“Tuy nhiên, xăng dầu giảm giá lúc này cũng không đem lại nhiều lợi ích gì, bởi doanh nghiệp vận tải đang hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp sản xuất cũng tê liệt bởi kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, sức mua trong dân rất thấp nhất là trong giai đoạn “cách ly toàn xã hội”, khiến thực phẩm nơi sản xuất khó lưu thông phải đổ bỏ, còn nơi tiêu thụ lại khan hiếm, giá tăng” – ông Hưng nhìn nhận.
Theo Uyên Phương/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/xang-dau-giam-manh-hang-hoa-van-dung-yen-1642304.tpo