Trước sức ép từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích, hoạt động kinh doanh của các khu chợ truyền thống vốn đã giảm sút, nay lại càng ế ẩm hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Khi người dân “bỏ chợ”
Những năm gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mọc lên khắp nơi. Người dân có xu hướng chuyển qua mua sắm tại những nơi này, dẫn đến việc kinh doanh của các khu chợ truyền thống giảm sút.
Gần đây, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, người dân chuyển qua đi chợ online hoặc ghé đến các siêu thị mua đồ, khiến hoạt động chợ truyền thống thêm ế ẩm.
Nhiều khu chợ truyền thống ở Cần Thơ ế ẩm, thưa vắng người mua do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thành Nhân.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết khoảng 1 năm nay, chị không còn đi chợ truyền thống mà chuyển qua mua đồ ở siêu thị.
“Chỉ cần đến một chỗ có thể lựa chọn đủ các mặt hàng, giá cả cũng được niêm yết sẵn nên rất dễ mua. Còn ra chợ truyền thống, nhiều khi rất mất vệ sinh, giá cả loạn xạ. Bây giờ dịch bệnh, các khu chợ cứ tụm năm tụm bảy, nên người dân ngán ngại khi ra đó” chị Nhung cho biết.
Chị Trần Thị Ngọc Thu (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) chia sẻ lý do chị “bỏ chợ” chuyển qua mua sắm ở các cửa hàng tiện ích là vấn đề vệ sinh, và nguồn gốc thương phẩm. “Cùng một mặt hàng như lạp xưởng chẳng hạn, có rất nhiều mẫu mã, nhà sản xuất để mình lựa chọn, bao bì có ghi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu muốn mua thực phẩm tươi sống cũng có đủ. Hôm nào bận việc, họ giao hàng đến tận nhà. Giữa mùa dịch bệnh, điều này đối với người dân rất tiện lợi”, chị Thu lý giải.
Hiện nay, chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh, kém sức cạnh tranh, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, hàng hóa bán tại chợ chưa được niêm yết giá đầy đủ, khách hàng đến chợ phải tốn chi phí gửi xe..., nên khiến người dân kém mặn mà.
Người dân đang thay đổi thói quen tiêu dùng, số người đi chợ truyền thống đã giảm rất nhiều so với trước đây. Ảnh: Thành Nhân.
Nhiều tiểu thương tại chợ cho biết, sức tiêu thụ hàng đã giảm ít nhất từ 30-50% so với trước, trong khi mỗi tháng tiểu thương phải chi trả tiền thuê sạp, chi phí điện nước, thuế…
Lối thoát nào cho chợ truyền thống?
Một chủ sạp Thịt Lợn ở chợ Tân An (thuộc quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, bình thường bán mỗi ngày từ 7 – 8 con lợn. Hiện nay, chỉ bán mỗi ngày khoảng 3 con lợn. Bình quân mỗi ngày lỗ khoảng 2 triệu đồng, gồm tiền để chi nhân công 3 người, tiền mướn mặt bằng và chi phí khác.
Khu vực phía trước khu chợ thuộc Trung tâm thương mại Cái Khế, Cần Thơ thưa vắng người mua. Ảnh: Trần Lưu.
Theo Sở Công thương TP.Cần Thơ, toàn thành phố hiện có có 107 chợ truyền thống. Thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, nhờ vậy, nhiều chợ truyền thống đã có bộ mặt khang trang sạch đẹp, buôn bán theo hướng văn minh, hiện đại. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, cũng như việc nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng của các tiểu thương.
Theo các chuyện gia, để có thể tồn tại được, các chợ truyền thống cần phải đa dạng hóa loại hình kinh doanh, dịch vụ. Mô hình kinh doanh chợ truyền thống có lợi thế để duy trì nếu như kết hợp song song với hoạt động khai thác du lịch.
Theo Trần Lưu - Thành Nhân/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/cho-truyen-thong-lao-dao-giua-mua-dich-covid-19-798369.ldo