Chỉ tính riêng tháng 2 vừa qua, 10% trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ngưng trệ. Chỉ tính riêng tháng 2 vừa qua, 10% trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất. Con số này tăng lên gấp rưỡi sau 2 tuần kế tiếp, với nguy cơ phá sản cao.
Nói vậy không có nghĩa toàn bộ 85% doanh nghiệp còn lại đều ở thế duy trì hoạt động. Có những doanh nghiệp đã biết chớp thời cơ trong tình thế tưởng chừng chỉ toàn mối nguy. Đâu là những điều kiện cần để điều này trở thành hiện thực?
Luận điểm “biến nguy thành cơ” đang hiện rõ trong hoạt động giáo dục trực tuyến. Nền tảng dạy-học trực tuyến là điển hình và câu chuyện của Công ty Công nghệ và Giải pháp Etech là ví dụ. Thành lập được gần 10 năm, với quy mô nhỏ và chủ yếu sáng tạo các phần mềm hỗ trợ ngành giáo dục, thế nhưng, nhiều năm liền, công ty này chỉ hoạt động ở vai trò là đơn vị thứ 3 - liên kết, ăn chia phần trăm với đối tác chính thức của khách hàng.
Thương mại điện tử đang ngày một phát triển. (Ảnh minh họa)
Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp-khó lường, học sinh toàn quốc phải nghỉ học trực tiếp, nhu cầu dạy và học trực tuyến trở nên bức thiết, đơn hàng đến với Etech nhiều hơn.
Ông Hà Văn Đạt – Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ và Giải pháp Etech cho biết: "Cũng giống như trước đây chúng ta nhìn về taxi truyền thống và taxi công nghệ, giờ trường cũng cần biết cách tiếp nhận những cơ hội như thế, như chúng ta đã tiếp nhận Uber, Grab và bây giờ nó song hành cùng với taxi truyền thống, nó không thay thế.
Về mặt doanh thu thì sản phẩm công nghệ dạy học e-learning là sản phẩm đồng hành cùng nhà trường, cần một quá trình dài hạn, cần những trải nghiệm để chúng tôi cải thiện vấn đề, nhưng về mặt tiếp cận khách hàng thì tăng lên so với trước mùa dịch. Có rất nhiều khách hàng đơn vị trước đó chúng tôi chủ động nhưng giờ họ lại chủ động tìm chúng tôi. Đó là một nhu cầu cấp bách, cũng là 1 sự cần thiết".
Bàn tới chủ đề này, không thể không nhắc đến thương mại điện tử. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương đã thống kê sơ bộ: Chỉ trong tháng 2, doanh thu lĩnh vực này tăng trưởng tới 30% so với cùng kỳ trước. Luận điểm “Biến nguy thành cơ” xuất hiện ở hầu hết các hoạt động trên “thương trường ảo”.
Ông Nguyễn Bình Minh – chuyên gia thương mại điện tử khẳng định: “Tình hình dịch bệnh tạo điều kiện chứng minh lợi thế của hoạt động kinh doanh hạn chế tiếp xúc, chính là mua-bán online”.
"Đối với dịch Covid-19 hiện nay thì Việt Nam có khá nhiều thuận lợi vì các biện pháp của Chính phủ tỏ ra rất hiệu quả, chúng ta không bị dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, hoạt động giao thương chắc chắn bị giảm sút và điều này lại làm cho thương mại điện tử Việt Nam có cơ hội mới. Lí do là cầu lớn - cầu về tích trữ các sản phẩm thiết yếu, lí do hạn chế đến các khu chợ cũng như hạn chế đi ra ngoài như là ngại va chạm và ngại tiếp xúc đối với những người lạ mà thành cơ hội cho thương mại điện tử. Hoạt động giao thương ở trên thương mại điện tử đã bùng bùng nổ", ông Minh phân tích.
Thương mại điện tử phát triển trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc cũng kéo theo sự năng động của ngành logistics-giao nhận hàng hóa.
Ông Hoàng Tùng – Giám đốc điều hành Chuỗi cửa hàng ăn nhanh Pizza Home cho hay, nếu trước đây, Pizza Home luôn sẵn có một đội ngũ nhân viên giao hàng hùng hậu, thì kể từ khi có dịch bệnh, giá nguyên phụ liệu đắt đỏ, giá thành sản phẩm buộc phải tăng, tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm hơn, doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm hoạt động; cắt giảm nhân sự một số khâu, trong đó có nhân viên giao nhận đơn hàng.
Có nghĩa, thay vì khoán trắng cho nhân viên của mình như trước, hai tháng trở lại đây, công ty thuê nhân công của bên thứ 3, đó là shipper của các thương hiệu ngành logistic như Grab, MyGo, GoViet, Now…để giảm gánh nặng chi phí.
Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đã thực hiện các bước đi tương tự, cho thấy, logistics - đặc biệt là logistics phân mảng giao hàng nhanh có điều kiện tăng trưởng mạnh mẽ ở giai đoạn này. Đáng chú ý, cuộc trò chuyện với CEO trẻ Hoàng Tùng góp phần khẳng định “sự nhạy bén của các doanh nhân-doanh nghiệp là yếu tố quyết định, còn trong thương trường, cơ hội chia đều cho tất cả”.
Theo ông Hoàng Tùng: "Tôi nghĩ khủng hoảng xảy ra nguy cơ cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng đó cũng là cơ hội đã mở ra để mình phải quyết liệt chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Chúng tôi trong giai đoạn này cố gắng cải tiến để có thể vượt qua khó khăn, để mình có thể giữ được doanh số, duy trì được cái bộ máy.
Chúng tôi thực hiện 3 nguyên tắc: Cắt, giảm, tăng. Một là cắt bỏ những điểm bán hàng không hiệu quả; thứ hai giảm những phần chi phí không hiệu quả đó. Phương thức tăng là tăng những sản phẩm mới, để mình có thể kéo được khách hàng tốt hơn, ví dụ chúng tôi đã sáng tạo bánh pizza thanh long. Cơ hội chia đều cho tất cả các ngành nghề, quan trọng làm sao có được những con người có thể là xoay chuyển được".
Quan điểm của một số CEO trẻ như CEO Hoàng Tùng nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nhân cùng các chuyên gia kinh tế. Biến nguy thành cơ không có nghĩa các cá nhân - doanh nghiệp tranh thủ tác động của những biến cố khách quan tương tự, với nhu cầu đối tác-khách hàng tăng đột biến, bất đắc dĩ, mà đó phải là sự sáng tạo trong mọi hoàn cảnh.
Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã tác động khôn lường, những tình huống tương tự rất khó đoán định, hoạt động cầm chừng, phá sản hay phát triển, thịnh vượng, trước hết phải phụ thuộc vào nội lực. Đó phải là sự nhạy bén của từng cá nhân trong điều hành-quản trị, cùng sức sáng tạo mạnh mẽ của từng nhân viên, trong mỗi công ty, doanh nghiệp. Hầu hết các thương hiệu thành danh trên thương trường đều nắm chắc những nguyên lý cơ bản này./.
Theo Thu Trang/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/bien-nguy-thanh-co-thuc-tien-thuong-truong-thoi-covid19-1027247.vov