Sau đại dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tìm cách khôi phục lại đàn lợn.
Người chăn nuôi ở Đắk Lắk đang phải đối mặt với một loạt khó khăn và rủi ro, do giá lợn giống cao, việc chăn nuôi an toàn cần đầu tư rất lớn. Điều này dẫn đến nghịch cảnh là dù giá lợn thịt đang rất cao, người chăn nuôi ở Đăk Lăk rất muốn tái đàn mà không thể.
Gia đình anh Lê Thanh Phú, ở thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar, có trại nuôi lợn quy mô 600 con.
Anh Phú cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh đã xuất bán với giá 100.000 đồng/1kg lợn hơi, tiền lãi 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã gần 3 tháng qua, gia đình anh vẫn chưa thể tái đàn lợn. Lý do vì giá lợn giống tăng cao, trên 2,5 triệu đồng/1 con giống, mà không tìm được nơi cung cấp an toàn.
Anh Phú bên dãy chuồng lợn bỏ trống.
Cũng theo anh Lê Thanh Phú lý giải, việc nhập lợn giống giá cao vào thời điểm này, nguy cơ thiệt hại kép nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại, hoặc mua phải lợn giống kém chất lượng.
"Giá lợn giống cao, thứ hai là không có heo con để mua, vì bây giờ những trại cung cấp giống hồi xưa bữa nay họ nuôi thịt, họ xây dựng trại thịt thêm nên nguồn cung khan chưa thể tái đàn" - anh Phu cho biết.
Với người nhận nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam như anh Lưu Văn Đức, ở buôn Cuôr, xã Ea Mdróh, huyện Cư Mgar, thì lý do không thể tái đàn là do thiếu vốn xây dựng chuồng lạnh. Anh cho biết, trước đây, anh đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng xây chuồng trại và nhận nuôi 600 con lợn.
Sau đợt dịch, do không đủ vốn nâng cấp, sửa chữa thành chuồng lạnh theo yêu cầu, nên phía công ty cắt hợp đồng nuôi lợn gia công. Đầu tư thêm thì không có vốn, mua lợn giống lại phải chịu giá cao, cộng thêm lo ngại rủi ro dịch bệnh có thể tái phát nên anh Lưu Văn Đức đã chuyển hướng sang chăn nuôi gà.
"Nếu mà tiếp tục làm cho công ty CP thì công ty yêu cầu phải có trại lạnh, cộng thêm số tiền cũ, tiền mới đầu tư thêm thì mình phải mất thêm 400-500 triệu. Tôi nghĩ 400 - 500 triệu đồng đó làm con gà thì hiệu quả mà ít rủi ro hơn nuôi lợn” - anh Đức chia sẻ.
Theo ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đắk Lắk, dịch tả lợn Châu phi thời gian qua, địa phương đã phải tiêu hủy hơn 44.800 con lợn với tổng trọng lượng gần 2.500 tấn. Nhờ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành chuyên môn, cùng với sự nỗ lực của người dân, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 3 xã có dịch. Sau khi dịch đi qua, các hộ chăn nuôi đã rục rịch tái đàn.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có một số công ty, trang trại lớn khôi phục được đàn lợn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải bỏ trống chuồng, do không đảm bảo các điều kiện an toàn trong chăn nuôi.
Anh Đức đang dọn dẹp chuồng lợn để chuyển sang nuôi gà.
Ông Vũ nhấn mạnh: “Khuyến cáo người dân tái đàn nhưng phải thực hiện theo đúng chỉ thị 14 của Ủy ban nhân dân tỉnh là những cơ sở trang trại mà chăn nuôi khép kín, chuồng trại đảm bảo, thứ hai là áp dụng được an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì được phép tái đàn nhưng phải có kiểm soát của lực lượng thú y, đặc biệt là thông báo với chính quyền sở tại thì mới được phép tái đàn.
Còn những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ mà chuồng trại không đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh tái phát thì khuyến cáo không nên tái đàn mà nên chuyển qua nuôi động vật khác".
Có thể nói, việc tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm dập tắt dịch tả lợn châu Phi, tiến tới công bố hết dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi an toàn là điều rất cần thiết. Nhưng điều cấp thiết không kém hiện nay là tháo gỡ khó khăn giúp người chăn nuôi khôi phục đàn lợn, phục vụ nhu cầu thịt lợn rất lớn của thị trường.
Cơ sở cung cấp con giống thì chuyển sang nuôi lợn thịt. Công ty chiếm giữ thị phần lớn thì đặt thêm những quy định siết người chăn nuôi. Thiếu vốn, thiếu con giống, nên dù giá thịt lợn rất cao, thị trường khan hiếm, nhưng người chăn nuôi không thể tái đàn, và người tiêu dùng tiếp tục chịu cảnh “nhịn miệng” hoặc chấp nhận bị móc túi.
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những chính sách giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống có chất lượng, giá thành hợp lý; Đồng thời, tạo điều kiện đáp ứng nguồn vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, người dân mới có điều kiện khôi phục đàn lợn, góp phần ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường./.
Theo Nam Trang/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/gia-thi-lon-rat-cao-nhung-nguoi-chan-nuoi-khong-the-tai-dan-1025463.vov