Cho biết thuế, phí đang chiếm gần 1/2 giá bán lẻ xăng dầu, chuyên gia cũng đánh giá, những tác động từ suy giảm nguồn thu dầu thô và thuế xuất nhập khẩu sẽ chưa làm chệch “bánh lái” tài khoá.
Giá dầu giảm tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu
Giá dầu thô lao dốc và giảm trên 30% trong phiên giao dịch cuối tuần trước do những bất đồng giữa OPEC và Nga trong việc cắt giảm sản lượng. Sau khi phục hồi nhẹ vào cuối tuần này, giá dầu Brent đang ở mức 35,44 USD/thùng và giá dầu WTI là 31,73 USD/thùng.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hàng hóa này đã nhiều lần ghi nhận sự trồi sụt tương tự trong 5 thập kỷ qua do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Việt Nam đã chi 1,8 tỷ USD nhập dầu thô trong năm 2019
Trong lịch sử, những đợt lao dốc của giá dầu thường dẫn tới sự dịch chuyển “của cải” hay lợi ích kinh tế từ các nước xuất khẩu sang các nước nhập khẩu ròng dầu thô.
Mặc dù đây là “cuộc chơi có tổng bằng không” song các mô hình kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng việc sụt giảm giá dầu thô có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong trung hạn.
Điều này chủ yếu do những tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế các quốc gia xuất khẩu dầu thô được bù đắp hoàn toàn bởi sức tăng trưởng vượt trội từ các nước nhập khẩu ròng thông qua tăng chi tiêu, giảm lạm phát và nới rộng dư địa chính sách.
Tuy nhiên, trong thực tế, tác động này phân hóa giữa các quốc gia nhập khẩu ròng dầu thô trong các giai đoạn khác nhau và phụ thuộc vào, ít nhất, 3 đặc điểm chính liên quan tới việc sụt giảm giá dầu: một là, nguyên nhân sụt giảm; hai là, giá dầu giữ ở mức thấp trong bao lâu và ba là, cơ chế truyền dẫn tới giá bán lẻ mặt hàng năng lượng.
Những lý giải hiện tại cho việc giá dầu thô lao dốc đến từ cả hai khía cạnh, cung và cầu. Giá mặt hàng năng lượng này đã giảm 10% kể từ đầu năm do sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 khiến triển vọng nhu cầu dầu thô toàn cầu trở lên u ám.
Bên cạnh Ý, Pháp và Nhật Bản, ngày các nhiều quốc gia được dự báo sẽ ghi nhận “suy thoái kỹ thuật” trong nửa đầu năm 2020. Và hiện tại, các nhà sản cung ứng dầu thô một lần nữa bị thiệt hại do sự thay đổi chính sách đột ngột từ OPEC trong việc gỡ bỏ giới hạn nguồn cung.
VDSC cho biết, trong 3 lần lao dốc gần đây của giá dầu, nguyên nhân bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông những năm 1980s, sụp đổ thị trường tài chính toàn cầu năm 2008 và nguồn cung dầu thô tăng đột biến từ sự phát triển khoa học công nghệ năm 2014.
So với diễn biến kể trên, đợt trồi sụt hiện tại của dầu thô tỏ ra rất nhạy cảm với kết quả phòng chống dịch bệnh cũng như thỏa thuận giữa các nhà xuất khẩu lớn.
Liệu đợt sụt giảm hiện nay chỉ là tạm thời hay không là câu hỏi quan trọng trong việc đánh giá tác động lên nền kinh tế thông qua việc tiết kiệm phần thu nhập thực tăng thêm hoặc gia tăng tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động kinh tế?
Yếu tố thứ ba liên quan tới cơ chế truyền dẫn giá. Điều này xác định mức giảm giá bán lẻ mặt hàng năng lượng dựa trên diễn biến lao dốc của giá dầu thô thế giới, qua đó ảnh hưởng tới thu nhập thực của người dân.
Sự phân chia lợi ích giữa người dân và chính phủ phụ thuộc vào chính sách trợ giá xăng dầu và cơ chế xác định giá bán lẻ xăng dầu.
Những giai đoạn biến động của giá dầu trong lịch sử
Chính sách tài khoá sẽ chưa bị tác động mạnh?
Tại Việt Nam, giá bán lẻ xăng dầu chịu sự chi phối của chính sách khi thuế và phí chiếm gần 1/2 trong giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Điều này hạn chế tác động tích cực tới thu nhập và chi tiêu của người dân.
Điển hình như giai đoạn 2014-2016, giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm khoảng 40% trong khi giá dầu thô thế giới giảm tới 70%.
Nhìn chung lại, trong bối cảnh giá dầu lao dốc cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, chuyên gia VDSC tin rằng tại Việt Nam ảnh hưởng tích cực tới thu nhập của người tiêu dùng bị giới hạn thông qua việc gia tăng tỷ lệ tiết kiệm thay cho việc thúc đẩy chi tiêu trong năm 2020.
Tác động rõ nét nhất đến từ việc hỗ trợ kiểm soát lạm phát khi điều này có thể gỡ bỏ phần nào sức ép lên Ngân hàng Nhà nước và tạo cơ hội cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ.
Điều này một lần nữa ủng hộ dự báo về khả năng cắt giảm lãi suất điều hành vào nửa cuối quý II.
Bên cạnh đó, VDSC ước tính việc giá dầu lao dốc sẽ giúp cán cân thương mại tăng trên 1,5 tỷ USD trong năm 2020. Trong năm 2019, Việt Nam là nước nhập khẩu dòng dầu thô khi chi tới 1,8 tỷ USD cho mặt hàng năng lượng này.
Liên quan tới chính sách tài khóa, theo đánh giá của VDSC, những tác động từ suy giảm nguồn thu dầu thô và thuế xuất nhập khẩu sẽ chưa làm chệch “bánh lái” đã được định hình từ đầu năm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-dau-xang-giam-soc-tin-vui-cho-nen-kinh-te-20200315153657533.htm