BGTV - Việc người dân hạn chế đến những nơi đông người, giao thương khó khăn… vì dịch bệnh Covid-19 đang tác động không nhỏ đến tình hình buôn bán của các đơn vị kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy Covid-19 giáng những đòn “nặng nề” đến kinh tế toàn cầu. Tại tỉnh Bắc Giang, với những nỗ lực để cân bằng, ổn định thị trường, song không thể phủ nhận dịch bệnh đã khiến không ít các đơn vị kinh doanh “lao đao”.
Từ nhiều tháng nay, cửa hàng kinh doanh quần áo, thời trang của anh Phúc, đường Lê Lợi, TP Bắc Giang gặp không ít khó khăn. Anh Phúc cho biết đã phải cắt giảm 2 nhân viên để giảm chi phí, ngoài ra còn tiền thuê mặt bằng và các khoản phí khác cũng khiến những người kinh doanh, buôn bán lẻ như anh “mất ăn mất ngủ”.
Anh Phúc chia sẻ: “Học sinh sinh viên nghỉ nhiều, hạn chế tiêu dùng do tâm lý lo ngại dịch bệnh cũng khiến việc buôn bán rất khó khăn, trước đây mọi người còn có tâm lý vui chơi, mua sắm chứ giờ ai cũng lo phòng dịch. Đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì mọi hoạt động kinh doanh như bình thường mặc dù từ sau Tết việc buôn bán theo kiểu cầm chừng”.
Tại một số các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, lượng khách đến tham quan và mua sắm tại các siêu thị rất thưa thớt, vắng vẻ.
Thị trường bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống đại lý trên địa bàn tỉnh từ sau Tết Nguyên đán lượng khách sụt giảm đáng kể. Chị Minh Trang, quản lý một siêu thị mini tại TP Bắc Giang cho biết so với cùng kỳ những năm trước thì doanh thu của siêu thị giảm khoảng 20-30%, doanh thu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm dự trữ thiết yếu như mì tôm, đồ hộp, thực phẩm đông lạnh, trứng, rau củ, hoa quả… hay các mặt hàng phòng chống dịch như đồ vệ sinh nhà cửa, nước rửa tay, khẩu trang do người tiêu dùng ý thức việc phòng dịch cho bản thân và gia đình. Nếu trước đây người tiêu dùng đến siêu thị thường có tâm lý tham quan, thong thả thì thời điểm dịch bệnh mọi người chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, mỗi lần mua thường nhiều để hạn chế đi lại nhiều lần.
“Mọi năm những tháng này mọi người đi hội hè, du lịch đông nên hàng hóa bán chạy, còn giờ cái gì cũng cắt giảm để lo bảo vệ an toàn, phòng chống dịch. Để kích cầu tiêu dùng nên siêu thị áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng có lẽ phải khi nào công bố hết dịch hoàn toàn, mọi người ổn định nhịp sống thường nhật thì việc kinh doanh mới có thể phục hồi hoàn toàn” – chị Trang cho biết.
Nhân viên các gian hàng "ngồi buồn" vì vắng khách
Tại siêu thị Big C những ngày cuối tuần, trước khi có dịch Covid-19 luôn thu hút một lượng khách đến tham quan và mua sắm rất đông nhưng hiện nay các cửa hàng ăn uống, thời trang, hàng tiêu dùng đều vắng khách. Theo đại diện một số quầy hàng, ước tính doanh thu giảm khoảng 70% so với thời điểm trước khi công bố dịch. Trì trệ là thực trạng chung của tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong thời điểm dịch bệnh này.
Dịch Covid-19 làm thay đổi không nhỏ nhịp sống thường nhật của người dân, không là ngoại lệ, chị Bích Hạnh (Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) cho biết: “Từ khi có dịch gia đình tôi rất ngại đi đến những chỗ đông người, mỗi lần tranh thủ đi mua sắm chúng tôi thường mua tối đa, có khi đủ dùng cho hẳn một tuần, mong rằng dịch bệnh sớm chấm dứt để mọi người có thể quay lại nhịp sống, vui chơi thoải mái như trước kia”./.
Minh Anh