Cơ cấu chi tiêu ngân sách đang gây ra nhiều lo ngại bởi phần lớn nguồn thu đang phải dùng để “nuôi” bộ máy hoạt động của Chính phủ.
Chi thường xuyên chiếm tới 80% tổng chi ngân sách
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2 ước tính đạt 214.200 tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 179.800 tỷ đồng, bằng 14,2%; thu từ dầu thô 8.600 tỷ đồng, bằng 24,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 25.900 tỷ đồng, bằng 12,4%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 21.300 tỷ đồng, bằng 12% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 36.500 tỷ đồng, bằng 16%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 42.000 tỷ đồng, bằng 15,5%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 15.300 tỷ đồng, bằng 11,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 4.600 tỷ đồng, bằng 6,7%; thu tiền sử dụng đất 17.300 tỷ đồng, bằng 18%.
Chi thường xuyên vẫn chiếm tới 80% tổng chi ngân sách Nhà nước. (Ảnh minh họa: KT)
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2 ước tính đạt 145.000 tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 116.100 tỷ đồng, chiếm 80% tổng chi ngân sách Nhà nước; chi đầu tư phát triển 7.400 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng chi ngân sách Nhà nước; chi trả nợ lãi 21.400 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Nguy cơ bất ổn vĩ mô
Theo Bộ Tài chính, năm 2020 là năm cuối thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 5 năm (2016 - 2020), trong bối cảnh thu ngân sách còn nhiều khó khăn, sẽ tiếp tục quản lý chi ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, dành ưu tiên chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Tuy nhiên, thực tế, thời gian gần đây, chi thường xuyên luôn chiếm trên 70%, thậm chí là 80% tổng chi ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng chi (5,1%).
TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ cấu chi tiêu ngân sách đang gây ra nhiều lo ngại bởi phần lớn nguồn thu đang phải dùng để “nuôi” bộ máy hoạt động cồng kềnh của Chính phủ. Thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các kế hoạch tinh giản biên chế gần như không cho thấy một kết quả khả quan khiến chi thường xuyên tăng đều qua các năm.
“Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi trong khi nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển lại đang có xu hướng bị thu hẹp lại. Nếu tiếp tục chi thường xuyên cao thế này thì quá nguy hiểm, bởi như vậy thì sẽ gây ra bất ổn vĩ mô và không còn tiền để đầu tư phát triển”, TS. Bùi Trinh cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cần giảm dần và chấm dứt xu hướng giảm chi đầu tư, đặc biệt ở cấp Trung tương, cải thiện về lập ngân sách đầu tư bằng cách quan tâm nhiều hơn đến các nhu cầu chi duy tu bảo dưỡng liên quan đến đầu tư, qua đó hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Phải rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn, nhằm tạo điều kiện để gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu và mục tiêu. Bên cạnh đó, xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho điạ phương gắn với hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư dàn trải. Đặc biệt, phải tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương, thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa”, PGS Vũ Sỹ Cường khuyến cáo.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những giải pháp cơ bản nhất để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, giảm tỷ trọng chi thường xuyên đó chính là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Do đó, thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương. Như vậy, mới giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, từ đó có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/ganh-nang-chi-thuong-xuyen-van-rat-lon-1018613.vov