Cú tăng ở mức chưa từng có của vàng trong nước, thêm hơn 3 triệu chỉ trong một ngày đã khiến không ít người đứng ngồi không yên, mua vàng trả nợ hoặc lướt sóng.
Cú sụt giảm sốc, cứ sốt là người dân thua lỗ
Sau khi tăng vọt thêm 3,1 triệu đồng trong chỉ một ngày lên đỉnh cao 49,15 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp bán ra) vào cuối phiên giao dịch ngày 24/2, giá vàng trong nước sáng 25/2 đã quay đầu giảm mạnh trở lại, mất 1,2-1,4 triệu đồng/lượng và tính tới gần cuối giờ chiều đã giảm tổng cộng hơn 2 triệu đồng/lượng có lúc về dưới 47 triệu đồng/lượng.
Cú sụt giảm lần này thực sự gây sốc đối với nhiều người nhưng là điều đã được cảnh báo trước và đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, chỉ có điều là hầu hết các phiên sốt nóng rồi nguội nhanh đã quá lâu và lần này sự sụt giảm chậm hơn một nhịp so với cú sốc lớn nhất hồi tháng 8/2011.
Vàng thế giới vẫn đang xu hướng đi lên.
Trên thực tế, thị trường vàng trong nhiều năm qua khá phẳng lặng, không có nhiều đợt sống nóng-lạnh, do nhiều chính sách: Ngân hàng Nhà nước đã độc quyền vàng miếng, cấm ngân hàng đầu cơ, mua bán vàng tài khoản, làm cho vàng không còn ảnh hưởng sâu vào tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, trên thị trường vàng trong nước dăm bảy tháng hoặc vài ba năm vẫn xảy ra những đợt sốt nóng, giá vàng tăng nhanh hơn thế giới rồi nhanh chóng quay đầu giảm sâu do tâm lý lo sợ, đẩy mạnh phòng ngừa rủi ro của người dân trong nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh vàng nới rộng mức giá mua vào và bán ra để kiếm lời.
Những đợt sốt nóng rồi giảm nhanh gần nhất chính là vào thời điểm trước và sau ngày Lễ Thần tài hàng năm, người mua thường lỗ nặng cả triệu đồng/lượng ngay sau khi rời cửa hàng mua bán vàng bạc.
Còn lần sụt giảm gần nhất không phải vào dịp lễ Thần tài là vào giữa tháng 11/2016 cách đây gần 5 năm, nhiều người đã lỗ nặng khi giá vàng tụt giảm 2 triệu đồng/lượng sau 4 phiên sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Đây là một diễn biến trái ngược với lo ngại cho rằng việc ông Trump sẽ khiến giá vàng thế giới tăng vọt vì những chính sách ông đưa ông được đánh giá là “bất ổn”.
Trước đó, hồi 8/2011, giới đầu tư từng chứng kiến một phiên vàng tăng vọt lên đỉnh lịch sử 49 triệu đồng/lượng vào đầu giờ chiều rồi tụt giảm xuống gần 46 triệu đồng/lượng vào cuối giời chiều cùng ngày, tức chỉ trong 1-2h giờ đồng hồ. Hồi đầu tháng 7/2016, thị trường vàng trong nước cũng chứng kiến cú đảo chiều đột ngột giảm 2 triệu đồng/lượng sau khi vàng vượt qua ngưỡng 40 triệu đồng/lượng với cú tăng 3 triệu đồng trong ngày 6/7 và 29% kể từ đầu năm đó.
Không ít người mua vàng ở đỉnh 49 triệu đồng/lượng vào thời điểm đó và nắm giữ gần 9 năm trời cho tới bây giờ mới hòa vốn.
Như vậy, sau nhiều năm nay, thị trường vàng trong nước mới lại chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh và không ít người đã mua vàng và chịu lỗ vài triệu/lượng ngay sau một thời gian ngắn.
Sở dĩ vàng tăng giá mạnh rồi tụt giảm sâu chủ yếu do các doanh nghiệp kinh doanh vàng nới rộng biên độ giữa giá mua và giá bán và giữa giá trong nước và giá thế giới trong những thời điểm vàng tăng giá nhanh để phòng ngừa rủi ro và kiếm lời.
Trong đợt tăng ngày 24/2 vừa qua, giá vàng trong nước được nâng lên cao hơn nhiều so với giá thế giới, mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới 2,3 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra cũng lên tới 1-2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng bán ra tại Phú Quý hôm 24/2 thậm chí có lúc được đưa lên tới 49,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới ở mức 1.680 USD/ounce, tương đương với 46,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Vàng thế giới vẫn xu hướng đi lên
Ngay sau khi vàng quay đầu giảm, sáng 25/2 người dân lại xếp hàng bán vàng chốt lời. Với mức giảm 1-2 triệu đồng/lượng, trên thực tế nhiều người vẫn chứng kiến mức lời đáng kể nhờ vàng đã tăng giá mạnh trước đó.
Đây cũng là lúc chênh lệch mua bán cũng được các công ty vàng rút xuống ở mức hơn 1 triệu đồng/lượng (so với mức chênh thông thường hàng ngày 500.000 – 600.000 đồng/lượng).
Nếu so sánh với mặt bằng giá ổn định kéo dài ở mức 36 triệu đồng/lượng vài năm trước thì mức giá 46-47 triệu đồng/lượng như hiện tại nhiều người vẫn lãi lớn.
Tất nhiên, ở chiều ngược lại, một số người mua vào ở mức giá 49-50 triệu đồng/lượng để trả nợ hoặc lướt sóng thì ngay lập tức lỗ nặng 2-3 triệu đồng/lượng sau chỉ một đêm.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng đi lên do thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các nước. Dù giá vàng trong nước quay đầu giảm nhưng đang có xu hướng tăng trở lại. Giá vàng tới cuối phiên ngày 25/2 đã lên trở lại lên gần 47,5 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp bán ra). Giá vàng thế giới cũng tăng trở lại lên mức 1.650 USD/ounce sau khi giảm nhanh từ đỉnh 7 năm: 1.690 USD/ounce về 1.635 USD/ounce.
Trong một dự báo gần đây trên Kitco, chuyên gia phân tích Edward Meir đến từ ED&F Man Capital Markets cho rằng, các quỹ cũng bắt đầu tăng vị thế và xu hướng mua vào vẫn đang tiếp tục và vàng thế giới đang ở một "giai đoạn đột phá”. Mục tiêu tiếp theo sẽ là 1.700 USD “trong ngắn hạn”. Giá vàng thế giới vẫn được dự báo sẽ còn tăng mạnh, thậm chí sẽ vượt đỉnh lịch sử năm 2011 và chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cảnh báo các nhà đầu tư về một khả năng TTCK sẽ điều chỉnh giảm 10% và giá vàng sẽ có thể chạm mức 1.850 USD/ounce trong tương lai gần nếu dịch Covid- 19 không thể được kiểm soát trong quý 2/2020.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, vàng sẽ còn biến động mạnh và vàng thế giới có thể lên 1.700-1750 USD/ounce và trong nước sẽ lên 55 triệu đồng/lượng nếu qua tháng 3 cho tới tháng 6 mà dịch bệnh Covid-19 vẫn còn lan rộng./.
Theo M/Hà/Infonet
https://infonet.vietnamnet.vn/lieu-voi-vang-nguoi-viet-luot-tren-dinh-song-va-noi-dau-post333383.info