Đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) là cơ hội có thêm nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ hưởng thuế suất bằng 0%.
Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Việc đánh giá quy trình sản xuất cá tra Việt Nam tương đương với quy trình sản xuất cá da trơn tại Hoa Kỳ của Đoàn thanh tra an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) trước đây đã giúp cho cá tra Việt Nam như có thêm một “giấy thông hành” đi vào các thị trường khó tính.
Các chuyên gia ngành cá tra dự báo mỗi đợt kiểm tra, cá tra Việt Nam có thêm một cơ hội mở rộng thị trường thế giới.
Thêm kiểm tra, tăng cơ hội
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 2/3 đến 13/3, FSIS sẽ đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ trước tiên phải khẳng định rằng Hoa Kỳ đã công nhận sản phẩm cá tra Việt Nam sản xuất tương đương trình độ quốc tế.
Cả quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến, các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam đã làm rất tốt ở trình độ cao.
Sau đợt kiểm tra cách đây 2 năm thì đợt kiểm tra lần này của FSIS là cơ hội có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ hưởng thuế suất bằng 0%.
Để chuẩn bị cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra thuận lợi, Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NAFIQAD) đã rà soát, kiểm tra thực địa vùng nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến tháng 12/2019, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 200 cơ sở sản xuất giống cá tra, hơn 3.000ha ương dưỡng cá giống, tăng 100% so với năm 2018, sản xuất được khoảng 21 tỷ cá tra bột, tạo ra hơn 2,1 tỷ cá tra giống, đồng thời đã thay thế được 45.000 con cá bố mẹ chọn giống. Con giống được kiểm dịch một số bệnh nguy hiểm, có phả hệ đàn cá bố mẹ.
[Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá da trơn sang Hoa Kỳ]
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết các hoạt động kiểm tra vùng sản xuất cá tra Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm quan trắc nguồn nước đầu vào, nước thải đầu ra, các khu vực sản xuất con giống, sản xuất cá thương phẩm, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, quy trình chế biến.
Đối với việc quan trắc môi trường nước đầu vào phục vụ nuôi cá tra, hiện 10 tỉnh, thành phố nuôi cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long đã có kế hoạch quan trắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn nguồn nước.
Còn Tổng cục Thủy sản và Ủy hội sông Mekong sẽ thực hiện quan trắc tại các điểm đầu nguồn Mekong. Có như vậy, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra và người nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới thuận lợi thực hiện các bước an toàn thực phẩm khác cho con cá tra Việt.
Doanh nghiệp Việt sẵn sàng mở rộng thị trường
Cá tra Việt vốn đã đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Ở thị trường nào, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt cũng đã nỗ lực hết mình để đưa hình ảnh đẹp của con cá tra đến với người tiêu dùng của thị trường đó. Có thể nói, song song với nỗ lực cải thiện vùng nuôi, cải tiến công nghệ chế biến của các nhà máy trong nước, các doanh nghiệp cũng đã dần cải thiện hình ảnh con cá tra trên thị trường quốc tế.
Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian công bố quyết định công nhận quy trình sản xuất tương đương với cá cá da trơn của Mỹ trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã xem xét thêm cho 2 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Công ty cổ phần Thủy sản NTSF và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) với thuế chống bán phá giá là 0%, nâng số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra vượt qua các tiêu chí kiểm soát an toàn thực phẩm của Bộ Thương mại Mỹ lên 4 doanh nghiệp.
Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra sang thị trường khó tính. Do đó, trong lần kiểm tra này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt luôn trong tư thế sẵn sàng đề đưa con cá tra Việt ra thị trường thế giới.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vĩnh Hoàn, chia sẻ Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ, chiếm thị phần cá tra lớn nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Việc đưa cá tra vào thị trường Hoa Kỳ cũng được Vĩnh Hoàn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, các tiêu chí an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Dù trong giai đoạn đấu tranh với thuế chống bán phá giá của Mỹ hay đến thời điểm đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, Vĩnh Hoàn nói riêng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nói chung không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn đặt mục tiêu đưa sản phẩm cá tra Việt Nam bán trực tiếp tại hệ thống siêu thị nhiều quốc gia; trong đó, có thị trường Hoa Kỳ. Làm được những điều này thì ngành cá tra Việt Nam mới có triển vọng vươn xa trên thị trường thế giới./.
Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/them-co-hoi-mo-rong-thi-truong-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-ca-tra/625061.vnp