Liên tiếp các sự kiện xảy tới khiến các nhà hàng gặp cảnh điêu đứng. Nhiều nhà hàng đã lỗ tới tiền triệu một ngày trong khoảng thời gian gần đây.
Đang kinh doanh nhà hàng tại Hà Nội, anh Hải Linh gặp không ít khó khăn trong năm 2020. Từ đầu năm, Nghị định 100 đã thay đổi rất nhiều thói quen đi nhậu của khách hàng, khiến doanh thu giảm mạnh.
Thời điểm đó, theo anh Linh, dù đã cố gắng đưa ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ như giảm giá, đưa đón khách, thuê bãi gửi xe để khách để lại, tặng voucher,...nhưng cũng chỉ "gỡ" lại 50% lượng khách.
Sau Nghị định 100 các hàng quán đã vắng vẻ hơn
"Nghị định 100 ra đời trùng với thời điểm cuối năm, nên dù cấm rượu bia thì các buổi họp tổng kết vẫn phải diễn ra. Các nhà hàng dù vắng vẻ hơn thường ngày nhiều, nhưng vẫn có khách và thu nhập", anh Linh chia sẻ.
Song, khi kì nghỉ Tết âm lịch còn chưa hết thì virus corona đã xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều hàng quán lại tiếp tục chìm trong khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Ảnh hưởng đầu tiên của dịch này theo anh Linh là việc, sinh viên không trở lại Hà Nội học tập và sinh hoạt. Đây là các đối tượng chính của nhà hàng Linh.
Vì mọi năm theo anh, các sinh viên thường liên hoan gặp mặt đầu năm, các buổi tân niên diễn ra rất nhiều. Hơn nữa, tâm lý chơi hết rằm, chơi hết tháng giêng vẫn còn, nên các hoạt động ăn uống cho thu nhập rất tốt.
Cả nhà hàng vắng vẻ, nhân viên chỉ biết nghịch điện thoại
"Nhưng sau Tết âm lịch năm nay, đường phố Hà Nội khá ảm đạm. Các quán nhậu đìu hiu còn hơn cả khi có Nghị định 100. Một phần thời tiết mưa lạnh, phần nhiều là do người dân không tụ tập trong mùa dịch", anh Linh cho biết.
Cũng đang kinh doanh một nhà hàng hải sản trên tại Q. Hoàng Mai (Hà Nội), anh Đình Đăng thậm chí còn ngồi buồn cả ngày. Bởi mỗi ngày, nhà hàng của anh lỗ tới 2 triệu đồng.
Theo đó, anh Đăng cho biết, cả nhà hàng có 15 nhân viên. Trong đó, bao gồm cả đầu bếp, thu ngân, phục vụ, quét dọn, rửa bát, bảo vệ. Không có khách thì nhân viên vẫn cứ thay ca nhau đến ngồi nói chuyện với chủ, vì không có việc làm.
"Mỗi ngày, cố lắm cũng chỉ duy trì được 1 - 2 mâm. Trong khi, tiền nhân viên, tiền chi phí mặt bằng, điện nước rất cao. Chưa kể hải sản tươi sống không chết, nhưng để càng lâu thì chúng càng gầy đi, bán không được giá", anh Đăng thông tin.
Cả quán có 1 bàn ngồi
Theo anh Đăng, chi phí thuê đầu bếp là 12 - 15 triệu đồng/người, tính ra mỗi ngày công 300 - 500 nghìn đồng. Chi phí thuê phục vụ bàn, người dọn dẹp, rửa bát 4 - 6 triệu đồng/người, trung bình một ngày công cũng mất gần 200 nghìn đồng/người.
Nếu tính thêm cả thu ngân, thì riêng tiền nhân viên, mỗi ngày anh Đăng đã mất hơn 3 triệu đồng. Nếu tính thêm các chi phí điện, nước, mạng, chi phí đen,...thì mỗi ngày 1 - 2 mâm anh Đăng vẫn lỗ nặng.
Nhiều nhà hàng tạm đóng cửa
"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, có thể tôi sẽ đóng cửa quán một thời gian, chờ sau dịch sẽ tiếp tục kinh doanh", anh Đăng chia sẻ.
Cũng theo anh Đăng, khó khăn là thế nhưng ít quán đóng cửa ngay, mà sẽ chờ tới hết tiền thuê mặt bằng mới quyết định. Tuy nhiên, tại Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), đã có quán bia phải tạm đóng cửa để chờ khi dịch kết thúc sẽ quay lại kinh doanh.
Theo Thế Hưng/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-nha-hang-thua-lo-nang-do-tac-dong-cua-nghi-dinh-100-va-dich-cum-corona-20200206173645421.htm