Cận Tết, mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới tại một số tuyến phố và trên các trang mạng cao ngất ngưởng, nhưng thị trường này vẫn rất “hút” khách.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị trường đổi tiền lẻ đang diễn ra rất sôi động.
Tại các phố Hà Trung, Đinh Lễ (Hà Nội), chi phí đổi tiền lẻ hiện khá cao, các mệnh giá tiền lẻ đều chịu mức phí như nhau từ 15-20%. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng có mức phí 20%, mệnh giá 2.000 đồng có mức phí 13% và mệnh giá 5.000 đồng có mức phí 10%. Nếu khách đổi số lượng lớn và đổi sớm thì phí sẽ thấp hơn một chút.
Ngoài ra, xu hướng đổi tiền lẻ online cũng khá phổ biến hiện nay. Tìm kiếm trên trang Google, chỉ cần 1 cú nhấp chuột và đánh từ khóa “đổi tiền lì xì”, ngay lập tức hiện lên hàng trăm trang đổi tiền lẻ, với các tên như: “Đổi tiền mới nguyên series”, “Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới”, “Đổi tiền lì xì Tết phí chỉ 3%”, “Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì”…
Thị trường đổi tiền lẻ đang diễn ra sôi động những ngày cận Tết. (Ảnh minh họa: KT)
Còn trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều tài khoản cũng quảng cáo công khai dịch vụ đổi tiền mới. Điểm chung của những trang đổi tiền lẻ này là đều đưa ra mức giá chênh lệch đổi tiền khá cao. Nếu khách hàng đổi mệnh giá 5.000 – 10.000 đồng với số lượng từ 100 – 1.000 tờ sẽ chịu mức phí 10-14%. Nếu khách đổi lẻ hoặc ít hơn thì phải chịu phí gấp đôi, tới 20%.
Liên hệ với một chủ tài khoản Facebook, phóng viên VOV được mời chào đổi tiền lẻ với mức phí “ưu đãi đồng hạng” chỉ 3%, nghĩa là đổi 1 triệu đồng thì sẽ mất phí 30.000 đồng.
Ngoài ra, chủ tài khoản Facebook này cũng không quên quảng cáo thêm để trấn an khách rằng, tiền được giao dịch còn nguyên đai nguyên kiện, theo series và đủ số lượng. Bởi thực tế, nhiều người khi đổi tiền lẻ đã bị một số đối tượng ăn bớt số lượng tờ trong cọc tiền.
Tại trang web doitienmoionline, mức phí đổi tiền lẻ mới với các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng cũng khá cao, từ 8%-10%, nếu đổi với số lượng lớn thì mức phí sẽ giảm 1% - 2%.
Đề cập đến trào lưu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân dịp Tết hàng năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mua - bán tiền là hành động phạm pháp. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định, sẽ phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.
“Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng, còn mua bán tiền trôi nổi sẽ dễ bị dính tiền giả, tiền thiếu. Ngoài ra hành vi hành còn bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố không in và phát hành thêm tiền mới nhỏ, lẻ vào dịp Tết Nguyên đán. Chủ trương này đã được duy trì 7 năm nay và giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới sẽ tiếp tục không in tiền lẻ mới, các mệnh giá từ 100 đồng - 5.000 đồng. Năm nay, mặc dù không phát hành thêm tiền lẻ mệnh giá thấp nhưng NHNN vẫn đáp ứng nhu cầu lưu thông khoảng 430.000 tỷ đồng và đã điều hòa nhu cầu cho các tỉnh, thành phố với trên 260.000 tỷ đồng./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/phi-doi-tien-le-cao-ngat-nguong-van-hut-khach-1001002.vov